Theo Economics Times, Huawei đề xuất ký “thỏa thuận không cửa hậu” này với chính phủ Ấn Độ và các công ty điện thoại di động. Thỏa thuận sẽ đặt ra quy định không cho phép bất cứ sự “rình mò” trên mạng hoặc chuyển giao dữ liệu nào.
Huawei còn thúc giục các đối thủ như Nokia và Ericsson từ châu Âu nên có cách tiếp cận tương tự.
“Tôi muốn đề xuất với ngành công nghiệp bất kỳ quốc gia nào hãy để ký kết ‘thỏa thuận không có cửa sau' với khách hàng của chúng tôi và chính phủ Ấn Độ để thực hiện cam kết, sự tin tưởng và lòng tin”, Giám đốc điều hành Huawei Ấn Độ, Jay Chen, nói hôm 24-6. “Hôm nay tôi sẽ sẵn sàng ký kết một thỏa thuận như vậy”.
Xung quanh các mối lo ngại về bảo mật của điện thoại thông minh Huawei, ông Chen nói rằng sẽ chủ động chuyển dữ liệu của người dùng Ấn Độ về nước này.
"Chúng tôi cam kết sẽ dần dần lưu trữ mọi thứ tại Ấn Độ. Huawei có một số máy chủ ở Singapore và Ấn Độ. Chúng tôi sẽ mang máy chủ đến Ấn Độ kể cả khi nước này không yêu cầu”, ông Chen nhấn mạnh.
Những phát biểu của ông Chen diễn ra trước chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo để trao đổi về vấn đề Huawei tham gia vào các cuộc thử nghiệm và phát triển mạng 5G tại nước này.
Phía Ấn Độ vẫn chưa có quyết định. Các công ty viễn thông Ấn Độ vẫn đang tìm kiếm một quan điểm rõ ràng từ chính phủ để cho phép họ hoạch định chiến lược bởi nếu không hàng tỉ USD đầu tư sẽ bị đe dọa, theo Economic Times.
Tân Bộ trưởng Viễn thông Ấn Độ Ravi Shankar Prasad nói rằng chính phủ sẽ xem xét liệu có cho phép tập đoàn Trung Quốc tham gia thử nghiệm 5G hay không và cho biết còn có những lo ngại về an ninh xung quanh vấn đề này.
Bộ trưởng viễn thông Ấn Độ Ravi Shankar Prasad nói rằng Chính phủ nước này vẫn đang xem xét có cho Huawei tham gia vào mạng 5G hay không. Ảnh: India Today
Như để tăng thêm niềm tin cho chính phủ Ấn Độ, ông Chen nói: “Đây là thời điểm thích hợp để chính phủ Ấn Độ đưa ra quyết định. Ấn Độ nên có cách tiếp cận hợp tác và cởi mở để đạt được mục tiêu doanh thu (tăng gấp đôi lên 350 - 400 tỉ USD vào năm 2025) cho ngành công nghệ thông tin. Sẽ có một sân chơi thật bình đẳng”.
"Nhật Bản có thể đủ khả năng để cấm Trung Quốc. Nhưng Ấn Độ thì không thể nếu chỉ có vài đối tác. Họ phải mở cửa để hợp tác với cả thế giới. Quyết định phải dựa vào tiêu chuẩn chung, chứ không phải là quốc gia xuất xứ".
Huawei nói rằng Ấn Độ nên mở cửa hợp tác ngành viễn thông với thế giới. Ảnh tư liệu
Ông Chen còn nói rằng chính phủ Ấn Độ nên kêu gọi tích cực và tăng đầu tư từ các nhà đầu tư tiềm năng đến từ Trung Quốc. Có những công ty hệ sinh thái đa ngành và công nghệ thông tin đang chờ đầu tư vào Ấn Độ.
Hiện Huawei đang cạnh tranh với hãng Nokia của Phần Lan và Ericsson của Thụy Điển trên thị trường thiết bị viễn thông. Ngoài ra, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc còn đối mặt với "ông lớn" khác là Samsung.
Hiện hai công ty của Ấn Độ là Vodafone Idea và Bharti Airtel đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Samsung để đánh giá một kịch bản ‘không có Huawei”.
Về điều này, ông Chen nói rằng Huawei đã đi trước các đối thủ của mình ít nhất 12-18 tháng về phát triển thiết bị mạng 5G.
Các công ty Ấn Độ còn lo ngại về đến vấn đề chuỗi cung ứng do lệnh cấp từ chính phủ Mỹ, ông Chen giải thích: "Chúng tôi có thể cung cấp bất cứ điều gì họ muốn đúng thời điểm. Chúng tôi có kho hàng, những nhà phát triển và từ nhiều quốc gia".
Khi được hỏi liệu có kế hoạch dự phòng nếu bị cấm, ông Chen tự tin nói rằng: “Không, chúng tôi không có kế hoạch B. Chúng tôi tin tưởng rằng phản ứng của Ấn Độ sẽ rất tích cực”.
Ông Chen còn mời gọi các nhà sản xuất thiết bị viễn thông ký các thỏa thuận "không cửa hậu" như vậy với chính phủ: "Chúng tôi khuyến khích các nhà cung cấp và nhà sản xuất thiết bị gốc nên ký thỏa thuận này".