Việc Iran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ trong năm nay cùng với hai vụ rơi máy bay tương tự đã tác động nghiêm trọng tới năng lực quân sự của Mỹ, với việc Hải quân Mỹ chỉ còn lại hai chiếc.
Một trong những máy bay không người lái trinh sát hiện đại nhất của hải quân Mỹ gần đây gặp sự cố đã rơi ở Trung Đông, một tuyên bố do cơ quan truyền thông của Viện Hải quân Mỹ công bố.
Chiếc UAV trinh sát RQ-4 Global Hawk của Mỹ tại nhà chứa máy bay ở căn cứ không quân Al-Dhafra, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Ảnh: AFP
Theo đó, một chiếc máy bay không người lái (UAV) RQ-4A BAMS-D bị trúng dị vật trong lúc cất cánh làm nhiệm vụ hỗ trợ tại khu vực phụ trách của Hạm đội 5 hôm 26-11 khiến máy bay hư hỏng nặng, hải quân Mỹ cho biết.
UAV RQ-4A BAMS-D còn được biết với cái tên Global Hawk ước tính trị giá khoảng 180 triệu USD và trước đó từng liên quan tới một vụ rơi năm 2012 trong lúc bay huấn luyện ở Maryland. Đài CNN lúc đó cho hay hải quân Mỹ đã mua năm chiếc UAV này.
Hồi tháng 6 năm nay, một chiếc Global Hawk đã bị lực lượng Iran bắn rơi trong một vụ tấn công tên lửa đất đối không ở eo biển Hormuz.
Viện Hải quân Mỹ ước tính vụ tấn công này cộng với vụ tổn thất mới nhất khiến hải quân Mỹ chỉ còn hai chiếc UAV Global Hawk.
Tạp chí Foreign Policy hàng đầu của Mỹ dẫn lời các cựu quan chức và quan chức Mỹ tháng trước (trước thời điểm chiếc RQ-4A BAMS-D bị trúng dị vật) cho hay không quân Mỹ đang nghiêng về khả năng cho “về hưu” 21 trong số 35 chiếc RQ-4 Global Hawk.
Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh năng lực ngày càng tăng của các đối thủ như Nga và Trung Quốc cũng như các công cụ ngày càng mạnh mẽ được phát triển bởi các quốc gia như Iran, tạp chí Newsweek cho hay.
Hệ thống phòng không Khordad 3 của Iran. Ảnh: PRESS TV
Hồi tháng 6, quân đội Iran bắn rơi chiếc Global Hawk bằng hệ thống phòng không Khordad 3 bản địa sau khi chiếc UAV của Mỹ xâm phạm không phận Iran để làm nhiệm vụ trinh sát và phớt lờ nhiều lời cảnh báo.
Tháng trước, Iran tổ chức một cuộc tập trận phòng không quy mô lớn trên một khu vực có diện tích tương đương với bang California của Mỹ. Cuộc tập trận mang tên Guardians of Velayat Sky-98 và được tiến hành ở tỉnh Semnan, miền Trung Iran.
Một quan chức quân đội cấp cao Iran ca ngợi cuộc tập trận đã sử dụng những hệ thống phòng không “tiên tiến” và “tầm cỡ thế giới”. Cuộc tập trận được tổ chức ngay thời điểm tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ đi qua eo biển Hormuz - cũng là nơi chiếc UAV Global Hawk của Lầu Năm Góc bị bắn rơi hồi tháng 6.
Thiếu tướng phòng không quân đội Iran Alireza Sabahifard cho hay các lực lượng của ông sẽ “diễn tập trong các điều kiện tác chiến khắc nghiệt nhất, thực tế nhất” và cuộc tập trận sẽ đặc biệt diễn ra ở eo biển Hormuz.
Ông Sabahifard nói thêm: “Tôi khuyên những kẻ thù không nên thử thách chúng tôi, bởi vì thực hiện một phép như vậy và đi vào bầu trời của Cộng hòa Hồi giáo Iran, như được thể hiện trong quá khứ, sẽ chẳng đưa tới thành tựu nào cho họ ngoài sự nhục nhã”.
Eo biển Hormuz được xem là vị trí án ngữ dầu mỏ hàng hải quan trọng nhất của thế giới và là điểm nóng trong tình trạng căng thẳng ngày một dâng cao sau khi Mỹ triển khai thêm lực lượng và khí tài quân sự tới khu vực.
Chiếc UAV Global Hawk bị Iran bắn rơi có thể bay tới 30 giờ trong phạm vi gần 14.500 km ở độ cao gần 20 km.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 13-12 nói rằng Iran nên gặp “một số kiểu đáp trả nào đó” vì đã bắn rơi máy bay Mỹ, tuy nhiên sau đó phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” và đồng ý rằng đó là một quyết định nguy hiểm.
Sau một vụ bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ năm 2011, ông Mattis khi đó là người đứng đầu Bộ chỉ huy Trung ương Mỹ, được cho là đã muốn đáp trả mạnh mẽ, trực tiếp đối với quân đội Iran. Tuy nhiên, Nhà Trắng từ chối cấp phép.