Không tạo áp lực cho cán bộ trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến

(PLO)-  Đoàn ĐBQH sẽ tiếp tục kiến nghị với trung ương và TP để gỡ khó trong việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 10-5, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM dẫn đầu đoàn công tác đến làm việc với UBND quận Bình Thạnh về “Việc thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn TP.HCM”.

Theo báo cáo của UBND quận Bình Thạnh, từ ngày 1-7-2021 đến cuối năm 2022, quận đã tiếp nhận gần 20.000 hồ sơ liên quan đến việc đăng ký thường trú, đã giải quyết hơn 9.000 hồ sơ; xóa đăng ký thường trú hơn 5.000 hồ sơ; điều chỉnh thông tin về cư trú trong cơ sở dữ liệu cư trú hơn 5.500 hồ sơ. Trong tổng số đó, có gần 12.000 hồ sơ được tiếp nhận qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP.HCM phát biểu kết luận buổi giám sát. Ảnh: PĐ

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP.HCM phát biểu kết luận buổi giám sát. Ảnh: PĐ

Quận đã giải quyết hơn 5.300 hồ sơ tạm trú và hơn 13.600 hồ sơ lưu trú. Đại diện UBND quận nhìn nhận, công tác này vẫn còn gặp khó về quy trình.

Cụ thể, công an phường cần phải gửi yêu cầu trao đổi với địa phương nơi công dân thường trú và đợi cập nhật trạng thái nơi ở xác định thì mới có thể bổ sung, cập nhật nhân khẩu tạm trú. Tuy nhiên, một số địa phương chưa trả lời, chưa xác minh dẫn đến việc cập nhật hồ sơ tạm trú còn chậm so với tiến độ.

Quận đã bố trí lực lượng hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính; hỗ trợ tiếp nhận, khai báo hồ sơ có liên quan đến 25 dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, quận cũng vận động nguồn kinh phí trang bị 66 máy tính đặt tại 66/89 điểm tiếp dân và có kết nối mạng.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Đặng Minh Nguyên, công tác giải quyết hồ sơ cho dân thông qua cổng dịch vụ công, phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân còn gặp nhiều vướng mắc.

Cụ thể, phần mềm, đường truyền hiện nay chưa ổn định, thường hay bị lỗi như không nhắn tin được cho người dân, không tra cứu được thông tin CCCD... Do đó người dân vẫn muốn liên hệ trực tiếp để được cán bộ hướng dẫn, giải thích cụ thể. Một số người dân không có máy tính, điện thoại hoặc không biết sử dụng các phương tiện này để nộp thủ tục hành chính. Lực lượng hỗ trợ còn mỏng, chưa thể kịp thời hỗ trợ người dân khi sự cố phát sinh.

Phát biểu, bà Văn Thị Bạch Tuyết, nhận định quận Bình Thạnh đã làm tốt công tác thu thập dữ liệu dân cư; bố trí lực lượng hỗ trợ người dân; trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để giải quyết thủ tục hành chính qua phần mềm, cổng dịch vụ công.

Bà cho hay, việc ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có nhiều thủ tục hành chính đơn giản nhưng người dân vẫn muốn đến gặp cán bộ để nộp hồ sơ. Ngoài ra, khi làm hồ sơ trực tuyến mà sai thì người dân đợi phản hồi rất lâu, khi phản hồi cán bộ có xu hướng dùng văn bản ‘xơ cứng’ để giải thích nên họ không hiểu để thực hiện theo.

Bà cho biết đoàn ĐBQH sẽ tiếp tục kiến nghị với trung ương và TP để gỡ khó trong việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến cho người dân. “Hiện nay chúng ta đang ép các đơn vị làm bằng những chỉ tiêu thi đua đặt ra, nhưng điều này đã tao thêm áp lực cho cán bộ”- bà Tuyết nói.

Bà Tuyết cũng nhận định, tính ổn định của đường truyền là yếu tố quan trọng trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến và đoàn ĐBQH sẽ ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của UBND quận Bình Thạnh để tiếp tục trao đổi, thảo luận, có ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú trong kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm