Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhằm giải quyết tình trạng quá tải trên quốc lộ 51. Thông tin này được người dân khu vực miền Đông vui mừng, hưởng ứng.
Bên cạnh đó, người dân miền Tây cũng hy vọng vào một tuyến cao tốc gần 110 km dự kiến hình thành trong tương lai. Đó là tuyến cao tốc dự kiến từ Mỹ An (Long An) tới Rạch Sỏi (Kiên Giang).
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giảm tải cho quốc lộ 51
Về tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ tướng chấp thuận cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) là cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Sau đó, trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư như đề nghị của Bộ GTVT.
Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ UBND tỉnh BR-VT những vấn đề liên quan dự án, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Kỳ vọng đối với tuyến cao tốc này, ông Hoàng Minh Tú, Phó Giám đốc Công ty AVI GO (công ty vận tải chạy tuyến Tân Sơn Nhất đi Vũng Tàu), cho hay tình trạng kẹt xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51 đã làm ảnh hưởng đến lộ trình di chuyển, kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải nói chung.
Tình trạng quá tải trên cao tốc đã diễn ra trong nhiều năm nay nên việc xây dựng nhiều tuyến đường, cao tốc khác kết nối khu vực phía Đông TP.HCM với Vũng Tàu là hết sức cần thiết. Qua đó giúp người dân, doanh nghiệp vận tải dễ dàng lựa chọn lộ trình di chuyển, tránh tập trung về một cao tốc như hiện tại.
TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học và công nghệ GTVT phía Nam, đánh giá tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vốn dĩ đã có “phôi thai” từ lâu. Việc xây dựng cao tốc này trong thời điểm hiện tại là cấp thiết bởi cần có sự đồng bộ giữa các khu vực.
Cụ thể, nơi đây sắp có sân bay Long Thành nên lượng xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ngày càng tăng và thực tế đã quá tải. Với tình hình hiện nay, mạng lưới đường cao tốc khu vực này có càng nhiều càng tốt, giúp giải quyết lượng xe từ trong cảng Cái Mép - Thị Vải đi ra và giải quyết tình trạng kẹt xe thường xuyên trên quốc lộ 51.
Vì vậy, mở thêm một cao tốc từ Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ tạo nên một mạng lưới giao thông hoàn thiện hơn.
Tương tự, kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng việc xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là rất cấp thiết. Đây là tuyến được kỳ vọng sẽ giảm áp lực giao thông cho cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51. Đặc biệt, khi tuyến cao tốc này đi vào hoạt động sẽ là tuyến đường chính kết nối với sân bay Long Thành, rút ngắn khoảng cách, thời gian cho cả khu vực miền Nam về Đồng Nai và Vũng Tàu.
Ngoài việc giảm tải các tuyến đường hiện hữu, cao tốc mới này sẽ là con đường kết nối Đồng Nai, Bình Dương… Đó là cơ hội lớn để phát triển kinh tế, đô thị cho các tỉnh, thành liên quan.
Sơ đồ tuyến cao tốc dự kiến từ Mỹ An tới Rạch Sỏi và sơ đồ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đồ họa: HỒ TRANG
Hình thành tuyến cao tốc 110 km ở miền Tây
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Diệp Bảo Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, cho biết dự án cao tốc Mỹ An (Long An) - Cao Lãnh (Đồng Tháp) dự kiến sẽ có tổng mức đầu tư 4.520 tỉ đồng.
Theo đó, Tổng Công ty Cửu Long được Bộ GTVT giao nghiên cứu lập dự án đầu tư tuyến cao tốc mới dài hơn 26 km này.
Nguồn vốn của dự án bao gồm: Nguồn vốn vay ODA dự kiến là 3.829 tỉ đồng cho các hạng mục chi phí xây dựng, thiết bị. Chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật, giám sát và chi phí dự phòng; nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 691 tỉ đồng. Dự kiến dự án hoàn thành bốn năm sau khi hiệp định vay cho dự án có hiệu lực (dự kiến từ năm 2021 đến 2024).
Tại cuộc họp đầu tháng 11-2019, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, BR-VT cùng thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để BR-VT làm đầu mối chuẩn bị các thủ tục đầu tư, ký kết và thực hiện hợp đồng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nếu dự án thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Theo đề xuất của đơn vị thiết kế, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn một có chiều dài gần 47 km, trong đó đoạn qua địa bàn Đồng Nai dài 34 km. Điểm đầu cao tốc nối với tuyến đường tránh Biên Hòa (TP Biên Hòa), điểm cuối nối với đường vào khu vực cụm cảng quốc tế Thị Vải - Cái Mép (tỉnh BR-VT). Giai đoạn hai của tuyến cao tốc bắt đầu từ thị xã Phú Mỹ đến TP Vũng Tàu dài 31 km. Tổng mức khái toán vốn đầu tư dự án trong giai đoạn một dự kiến là 9.300 tỉ đồng, trong đó tiền bồi thường giải phóng mặt bằng gần 3.200 tỉ đồng. Dự kiến đường cao tốc khi hoàn thành sẽ có sáu làn xe (giai đoạn một xây dựng bốn làn xe) và thời gian thu phí cho giai đoạn một là 23 năm. |
Theo ông Tuấn, dự án tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh khi hình thành sẽ kết nối với tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ (Cần Thơ), Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Kiên Giang) (các tuyến này dự kiến sẽ được nâng cấp thành cao tốc trong tương lai). Như vậy dự kiến trong tương lai, ở miền Tây sẽ hình thành tuyến cao tốc Mỹ An - Rạch Sỏi gần 110 km.
Cụ thể, dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ (Cần Thơ) dài 32 km gồm các dự án thành như: Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, đường nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống và dự án cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu. Phần mặt đường của dự án này rộng bốn làn ô tô và hai làn xe thô sơ đã hoàn thành. Vì vậy, theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc sớm nâng cấp tuyến đường này thành đường cao tốc là rất khả thi (vì chỉ cần trải thêm lớp nhựa dày để xe chạy 100 km/giờ và làm hai tuyến đường gom).
Về phần dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Cần Thơ - Kiên Giang) dài hơn 51 km, rộng 17 m cho bốn làn xe lưu thông vẫn đang được thi công hoàn thiện, dự kiến dự án sẽ hoàn thành tháng 6-2020.
Bộ GTVT cũng đã giao các đơn vị liên quan triển khai thiết kế kỹ thuật hạng mục hàng rào dọc tuyến, hệ thống an toàn giao thông để nâng cấp tuyến đường trên thành đường cao tốc trong tương lai.
Theo Tổng Công ty Cửu Long, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ cho ô tô lưu thông với vận tốc 80-100 km/giờ, xe máy sẽ đi đường gom hai bên hoặc đi theo quốc lộ 80. Dự kiến việc nâng cấp tuyến đường này thành đường cao tốc sẽ đưa vào sử dụng trong quý I-2021.
Tạo đà phát triển kinh tế - xã hội Tất nhiên, nếu miền Tây có thêm một đoạn hay một tuyến cao tốc thì đó đều là tin mừng, phấn khởi với người dân, các tài xế, các doanh nghiệp vận tải vì giao thông khu vực này lúc nào cũng tắc nghẽn. Nhưng theo tôi, việc có đoạn cao tốc từ Mỹ An về tới Rạch Sỏi cũng chỉ đỡ phần nào và góp phần chia lửa cho cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận. Cao tốc này cũng chưa thể giải quyết tất cả điểm ùn tắc giao thông khu vực miền Tây. Có chăng là tương lai rất cần cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Sóc Trăng. Khu vực Mỹ An - Cao Lãnh cũng chỉ có một đoạn 26 km muốn lên cao tốc thì vẫn còn cần nhiều việc phải làm, thậm chí chờ rất lâu, ít nhất trong năm năm tới. Hy vọng các cơ quan chức năng gấp rút tiến hành để cải thiện tình hình giao thông khu vực. Ông NGUYỄN NGỌC XUÂN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang Việc hình thành tuyến cao tốc dự kiến Mỹ An - Rạch Sỏi là để tạo đà, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phù hợp với quy hoạch và định hướng quy hoạch phát triển giao thông khu vực ĐBSCL. Chỉ riêng dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh cũng sẽ từng bước hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường bộ kết nối giữa các vùng. Qua đó, thúc đẩy phát triển bền vững và lâu dài về kinh tế, xã hội trong khu vực ĐBSCL nói chung, tỉnh Long An và tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Ngoài ra, dự án cũng rút ngắn được quãng đường và thời gian khi lưu thông từ các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên đến ĐBSCL mà không phải đi qua trung tâm TP.HCM (không phải đi qua quốc lộ 1A vốn đang quá tải). Chúng tôi cũng sẽ hoàn thành và phát huy hiệu quả dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông như hoàn thiện, kết nối tuyến N2, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây. Ông TRẦN VĂN THI - Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển |