Lên kịch bản xả lũ tránh gây ngập nặng cho TP.HCM

(PLO)- Các hồ chứa cần xây dựng kịch bản ứng phó với việc xả lũ theo thiết kế, tránh gây ngập nặng, nhất là tại TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-7, tại TP.HCM, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT), chủ trì Hội nghị PCTT khu vực miền Nam năm 2022.

Tại hội nghị, vấn đề ngập lụt tại TP.HCM và các tỉnh khu vực miền Nam nhận được nhiều sự quan tâm.

Chưa xả lũ hết công suất, TP.HCM đã ngập nặng

Ông Nguyễn Đức Vũ, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, cho biết năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022, tình hình ngập lụt trên địa bàn TP diễn ra thường xuyên và phức tạp. Trong đó có 46 trận mưa với lượng mưa trên 50 mm, 18 trận mưa gây ngập, 10 đợt triều cường cao.

Ngoài các nguyên nhân chủ quan, có nguyên nhân khách quan là mưa lớn có xu hướng gia tăng, tần suất xuất hiện những trận mưa có lượng mưa trên 100 mm nhiều hơn, tập trung trong thời gian ngắn; triều cường có xu hướng năm sau cao hơn năm trước.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÊ THOA

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÊ THOA

Đáng chú ý, tổ hợp bất lợi đã xảy ra khi triều cường trên sông Sài Gòn dâng cao kết hợp mưa lớn cùng việc xả lũ của các hồ chứa thượng nguồn đã ảnh hưởng đến công tác chống ngập của TP.

Ông Vũ đề xuất xây dựng các hồ điều hòa, hồ sinh thái, hồ điều tiết nước tự nhiên tại một số nơi ở TP. “Có thể tận dụng công viên làm hồ chứa nước, xây dựng các hồ chứa nước ngầm để tích nước khi trời mưa lớn, chứa lượng nước chưa kịp tiêu thoát, khi triều rút thì nước tự chảy” - ông Vũ nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tô Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác Dầu Tiếng - Phước Hòa (Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa), cho biết thiết kế của hồ Dầu Tiếng có lưu lượng xả 2.800 m3/giây với mực nước lũ 26,92 m. Trong khi đó, sức tải lũ của sông Sài Gòn rất thấp.

Ông Thanh dẫn chứng đoạn từ cầu Sài Gòn tới cầu Bến Súc chỉ có thể đạt lưu lượng 200 m3/giây, vượt qua mức này sẽ bị tràn, ngập. Trong thực tế chỉ một lần hồ Dầu Tiếng xả lũ đến 600 m3/giây đã khiến vùng hạ du như TP.HCM, Bình Dương ngập nghiêm trọng. Nếu xả đến 2.800 m3/giây sẽ khiến 10 quận, huyện ở TP.HCM cùng nhiều địa phương tại Tây Ninh, Bình Dương và Long An ngập nặng, gây thiệt hại rất lớn.

Khả năng bão muộn và ảnh hưởng đến miền Nam

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia, cho biết hiện tượng La Nina đã gây sóng cao, gió mạnh trong tuần qua ở khu vực miền Nam. Ông Khiêm nhìn nhận trong lịch sử hiếm có hiện tượng này và năm nay xuất hiện là sự bất thường.

Ông Khiêm cho biết sáu tháng cuối năm 2022 khả năng có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông, trong đó có 4-6 cơn bão gây ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Theo ông Khiêm, năm nay mùa mưa bão đổ vào khu vực Nam bộ sẽ muộn hơn bình thường, tập trung vào cuối mùa mưa bão, quỹ đạo cơn bão hướng nhiều hơn đến khu vực miền Trung và phía Nam, tác động gián tiếp và trực tiếp đến Nam bộ.

“Bão sẽ hoạt động mạnh hơn, phức tạp hơn, khả năng số lượng mưa bão xuất hiện nhiều hơn ở cuối mùa bão, từ tháng 10 đến giữa tháng 12. Xác suất cơn bão ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến khu vực Nam bộ cao hơn những năm trước” - ông Khiêm thông tin.

Cần có phương án xả lũ tránh gây thiệt hại cho hạ lưu

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT, nhìn nhận khu vực miền Nam và ĐBSCL ít xảy ra bão nhưng khi xảy ra thì thiệt hại rất lớn.

Trong khi đó, khả năng chống chịu thiên tai của cơ sở hạ tầng ở các tỉnh ĐBSCL là thấp nhất cả nước. Ông đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án chống chịu thiên tai, trong đó có các công trình chống ngập của TP.HCM.

Đi sâu vào công tác PCTT, ông Hoài đề nghị các địa phương rà soát các tàu thuyền hoạt động trên biển. Theo ông, nhiều địa phương chưa định vị được số tàu thuyền trên biển, ngoài ra các tàu nhỏ neo đậu ở khu vực nuôi trồng thủy sản cũng cần được quản lý chặt chẽ. Hơn nữa, khi bước vào mùa du lịch sau dịch COVID-19, lượng khách du lịch biển rất đông, nếu không chủ động chuẩn bị kịch bản thì sẽ khó khăn, lúng túng khi ứng phó với thiên tai.

“Chỉ mới một đợt áp thấp, chưa phải áp thấp nhiệt đới mà số du khách mắc kẹt trên các đảo đã rất đông” - ông Hoài nói và đề nghị các địa phương rà soát, có phương án bảo vệ cụm dân cư, công trình PCTT, nhất là công trình đê sông, đê biển khi có bão.

Cũng theo ông Hoài, dự báo khu vực Tây Nguyên năm nay bị ảnh hưởng bởi dòng chảy của hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và khu vực thượng nguồn sông Mekong nên lượng mưa lũ sẽ lớn hơn. Ông đề nghị các chủ hồ chứa, trong đó có hồ Dầu Tiếng tăng cường theo dõi dòng chảy và mưa lũ, lắp đặt trang thiết bị tiện theo dõi tự động; đồng thời vận hành đúng quy trình, xây dựng kịch bản ứng phó với việc xả lũ theo thiết kế, tránh gây ngập nặng, nhất là tại TP.HCM.

Ngoài ra, các địa phương cần rà soát tuyến thoát lũ để đảm bảo thông thoáng dòng chảy và có phương án bảo vệ sản xuất, cơ sở hạ tầng ở hạ lưu khi xả lũ theo thiết kế. “Nếu xả lũ theo thiết kế mà không có kịch bản, phương án sẽ lúng túng và gây ngập cho những vùng hạ du” - ông Hoài nói...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm