Nguy cơ ảnh hưởng 10-12 cơn bão trên biển Đông từ đây đến cuối năm

(PLO)-  Theo dự báo, bão sẽ hoạt động mạnh hơn, phức tạp hơn vào cuối năm, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến khu vực Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 15-7, tại TP.HCM, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức hội nghị PCTT khu vực miền Nam năm 2022.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Hội nghị do ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, chủ trì với sự tham dự của hơn 300 đại biểu bao gồm đại diện bộ, ngành; 19 tỉnh, thành Nam Bộ…

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, cho biết hàng năm các tỉnh Nam Bộ thường xuyên chịu tác động của 16/21 loại hình thiên tai. Trong đó đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất, dông, lốc, sét.

Trong 30 năm gần đây, tình hình thiên tai vùng Nam Bộ diễn biến rất phức tạp và có xu thế gia tăng cả về phạm vi, mức độ nguy hiểm.

Theo ông Tiến, trong năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022, tại các tỉnh, thành Nam Bộ không xảy ra những đợt thiên tai lớn, chủ yếu là mưa lớn, lốc, sét và sạt lở bờ sông, bờ biển.

Cụ thể, xảy ra 183 trận mưa lớn kèm lốc sét đã làm 12 người chết, 40 người bị thương; 162 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 55.216m, ước tính giá trị thiệt hại 153 tỉ đồng.

Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, từ đầu năm 2022 đến nay, nước ta đã xảy ra một trận bão, 105 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, 123 trận dông lốc, 61 vụ sạt lở bờ sông, 137 trận động đất, 12 trận gió mạnh trên biển và hai đợt rét đậm, rét hại.

Qua đó đã làm 85 người chết, mất tích, 48 người bị thương, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.044 tỉ đồng.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia, cho biết năm nay tại khu vực miền Nam có hiện tượng La Nina gây sóng cao, gió mạnh trong tuần qua. Ông Khiêm nhìn nhận trong lịch sử hiếm có hiện tượng này; năm nay xuất hiện là sự bất thường.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia. Ảnh: LÊ THOA

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia. Ảnh: LÊ THOA

Dự báo KTTV sáu tháng cuối năm 2022, ông Khiêm cho biết khả năng sẽ có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đớt trên khu vực biển Đông. Trong đó có khoảng 4-6 cơn gây ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Theo ông Khiêm, năm nay mùa mưa bão đến khu vực Nam Bộ sẽ muộn hơn bình thường. Số lượng cơn bão sẽ tập trung vào cuối mùa mưa bão, quỹ đạo hướng nhiều hơn đến khu vực miền Trung, khu vực phía Nam, có tác động gián tiếp và trực tiếp đến Nam Bộ.

“Bão sẽ hoạt động mạnh hơn, phức tạp hơn, khả năng số lượng mưa bão xuất hiện nhiều từ tháng 10 đến giữa tháng 12-2022. Đồng thời, xác xuất cơn bão đi vào khu vực phía dưới, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến khu vực Nam Bộ cao hơn so với những năm trước” – ông Khiêm nhìn nhận.

Về lượng mưa năm nay, Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV quốc gia thông tin khả năng lũ sẽ xuất hiện vào cuối tháng 10-2022 với mức báo động I và trên báo động I. So với năm ngoái, năm nay mực nước mưa sẽ cao hơn trung bình hàng năm và cao hơn năm 2021, với khoảng 3,5 - 3,7m.

Ngoài ra, giữa tháng 8-2022 sẽ xuất hiện hoạt động mạnh của gió mùa Tây Nam.

Đòi hỏi phòng ngừa chủ động

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, nhìn nhận tình hình rủi ro, thiên tai ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam đã có diễn biến phức tạp. Những ngày gần đây các địa phương đang đối phó với triều cường, nước biển dâng.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT. Ảnh: LÊ THOA

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT. Ảnh: LÊ THOA

Ông Hoài dẫn chứng miền Nam từng có những đợt thiên tai gây thiệt hại lớn về người và tài sản như cơn bão Linda năm 1997, các trận lũ lụt năm 2000, 2010, 2011…

Nhiều năm qua các địa phương đã cùng người dân, doanh nghiệp PCTT tương đối toàn diện. Tuy nhiên, tình hình thiên tai nhiều khi trái quy luật, đòi hỏi công tác chuẩn bị phòng ngừa, triển khai bài bản, chủ động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm