Lợi cho nông dân ở đâu trong hơn 7.600 tỉ đồng?

Thời hạn thu mua tạm trữ tối đa là ba tháng (từ 20-2 đến 20-5) và doanh nghiệp (DN) được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay.

Trong buổi họp sơ kết quý I-2013 mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng công bố kết quả 116 DN thu mua tạm trữ 1 triệu tấn vụ đông xuân đã hoàn thành 100% kế hoạch. Theo VFA, giá thu mua tạm trữ năm nay thấp hơn vụ đông xuân năm ngoái nhưng cơ bản giúp giá lúa tăng 100-150 đồng/kg, DN mua trên 5.000 đồng/kg lúa khô, cao hơn giá thành sản xuất Bộ Tài chính đưa ra. Về cơ bản, việc thu mua tạm trữ đã kịp thời tiêu thụ lúa hàng hóa vào thu hoạch rộ, ổn định giá thị trường.

Trái ngược với thông tin trên, trong quá trình thu mua tạm trữ, nông dân khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải bán giá thấp, lỗ dưới 5.000 đồng/kg, thậm chí là dưới 4.000 đồng/kg lúa khô. Ngay sau khi VFA thông báo kết thúc chương trình thu mua tạm trữ, giá lúa còn rớt thảm hại hơn, với mức giá 4.500 đồng/kg lúa khô hiện nay nông dân không có lãi. Theo lãnh đạo nhiều sở NN&PTNT, con số hơn 10 triệu tấn lúa sản lượng thu hoạch vụ đông xuân so với 2 triệu tấn lúa quy đổi ra 1 triệu tấn gạo được DN thu mua liệu đã đảm bảo thu mua hết lúa cho nông dân?

Như thế, hơn 7.600 tỉ đồng với lãi suất 0% được trao tay DN để thu mua tạm trữ giúp dân có đúng như mục đích đề ra? Phía DN cho rằng nếu nói họ có lợi mà không làm được gì là sai. “Nếu không có lợi cho nông dân thì Chính phủ đã thay đổi liền” - một DN lý giải.

Chưa xét hơn 7.600 tỉ đồng kia có mang lợi cho DN hay không, vấn đề là chưa thấy một đồng nào trong gói tiền hỗ trợ kia chạm đến tay người nông dân. Họ vẫn bị lỗ hết năm này qua năm khác, hết đợt tạm trữ này qua đợt tạm trữ khác.

Thiết nghĩ 10 năm chính sách thu mua tạm trữ đã mang lại không ít cái lợi cho DN, chẳng lẽ chưa đến lúc điều chỉnh, thay đổi cách làm để mang lại cái lợi thật sự cho người nông dân?

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm