Bất cập tội đưa, nhận hối lộ - Bài cuối

Năm giải pháp xử lý tội nhận hối lộ

Các chuyên gia cho rằng việc hầu hết không xử lý được người nhận hối lộ dù có nhiều chứng cứ khá rõ, là vụ án đã được giải quyết một cách không triệt để, không toàn diện. Quan trọng hơn, người dân nhìn vào đó sẽ thấy rằng quyết tâm lôi ra ánh sáng những hành vi tham nhũng vẫn còn những vùng cấm dù chủ trương của Đảng và Nhà nước là phải nghiêm trị loại tội phạm này.

TS LÊ NGUYÊN THANH, Trưởng bộ môn Tội phạm học, ĐH Luật TP.HCM:

Xem lại chất lượng điều tra viên

TS LÊ NGUYÊN THANH

Theo tôi, quy định pháp luật hiện không có những trở ngại, khó khăn nào đáng kể để giải quyết vụ án tham nhũng nói chung, hay đưa, nhận, môi giới hối lộ nói riêng. Nhưng kết quả chứng minh lại thể hiện ở những vụ án khác nhau, địa phương và người tiến hành tố tụng khác nhau. Thực tế với nhiều vụ án đã xảy ra thì người ta có quyền hoài nghi về năng lực và sự khách quan, vô tư của kết quả điều tra.

Khi người nhận hối lộ đã khai rõ số tiền, tự giác nộp lại, động cơ phạm tội và động cơ khai báo phù hợp mà không chứng minh được người đưa hối lộ chỉ vì họ không nhận tội thì cần xem lại năng lực và tính khách quan, vô tư của CQĐT. Bởi vì chẳng ai dại gì mà tự giác nhận rằng mình đã nhận tiền. Ngược lại, người đưa hối lộ khai rõ với nhiều chứng cứ khác nhưng chỉ vì người bị cáo buộc nhận hối lộ không thừa nhận mà không hoặc không thể điều tra, chứng minh thêm để củng cố chứng cứ thì cần xem lại trình độ, chất lượng của điều tra viên.

Ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn là trường hợp hiếm hoi bị khởi tố về tội nhận hối lộ. Ảnh: TP

Luật sư VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM:

Mạnh dạn khởi tố ngay tại tòa

Luật sư VŨ PHI LONG

Khoản 4 Điều 153 BLTTHS 2015 quy định rõ: “HĐXX ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu VKSND khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm”. Vì vậy, hai chủ thể này cần tăng cường thực hiện các quyền của mình là pháp luật cho phép. Cụ thể, thông qua việc xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa, HĐXX có thể khởi tố vụ án nếu phát hiện có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm. Hiện nay thẩm quyền này ít khi được HĐXX sử dụng mà hay được “nhường” lại cho VKS. Theo đề nghị khởi tố của tòa, VKS nếu đủ cơ sở, bằng chứng sẽ tự mình điều tra, khởi tố mà không phụ thuộc vào CQĐT. Bởi VKS có thẩm quyền điều tra, khởi tố đối với một số vụ án hình sự liên quan đến các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội phạm liên quan đến tham nhũng, chức vụ. Thông thường những người nhận hối lộ thường là các cán bộ, công chức thuộc CQĐT, tòa án, VKS, thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. Theo tôi, đây là cách thức quan trọng để lôi ra ánh sáng những mảng tối của các vụ án liên quan đến hành vi đưa, nhận hối lộ.

Một phó viện trưởng VKSND thuộc tỉnh Bình Định:

Bỏ hẳn việc trả hồ sơ tới lui

Thực tế làm kiểm sát chúng tôi thấy rằng quá trình kiểm sát hồ sơ các vụ án hình sự liên quan đến nhóm tội danh hối lộ, VKS phát hiện ra nhiều dấu hiệu bất thường như hồ sơ bị sai lệch, mớm cung trong việc lấy lời khai. Sau đó VKS có thể yêu cầu khắc phục, có thể yêu cầu điều tra lại và đề nghị truy tố các bị can liên quan đến việc nhận hối lộ. Tuy nhiên, có nhiều vụ sau khi điều tra lại CQĐT vẫn không tìm ra được tội phạm. Tôi biết có vụ tòa trả hồ sơ năm lần yêu cầu điều tra bổ sung nhưng CQĐT vẫn không tìm ra. Vì vậy, HĐXX nên thể hiện quan điểm bằng việc khởi tố ngay tại tòa theo thẩm quyền nếu thấy có đủ điều kiện.

Ngoài ra, BLTTHS và Thông tư liên tịch số 04/2018 giữa VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (về việc phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS) quy định điều tra viên, cán bộ điều tra được phân công điều tra vụ án phải thực hiện yêu cầu điều tra của kiểm sát viên. Cạnh đó, VKS cũng có thể trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra. Vì vậy, bản thân VKS và kiểm sát viên cũng cần thực hiện đúng và đầy đủ các thẩm quyền của mình để tìm ra sự thật khách quan của vụ án nếu vì lý do nào đó mà CQĐT “bó tay”.

TS NGUYỄN HUỲNH BẢO KHÁNH, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM:

Áp dụng biện pháp nghiệp vụ đặc biệt

TS NGUYỄN HUỲNH BẢO KHÁNH

Điều 223 và 224 BLTTHS 2015 đã cho phép áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt để thu thập chứng cứ như ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Khi áp dụng các biện pháp này đối tượng bị điều tra không biết nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động chứng minh, vì thế nên áp dụng triệt để biện pháp này để hỗ trợ tìm ra người nhận hối lộ khi họ không thừa nhận tội. Thực tiễn chứng minh CQĐT hình sự các nước áp dụng các biện pháp này có thể lôi ra ánh sáng các vụ án hối lộ khó nhất như hối lộ về tình dục. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng chúng để phục vụ cho các mục đích ngoài chuyên môn, nghiệp vụ.

Tòa án phải độc lập

Kết quả điều tra những vụ án lớn liên quan đến nhóm tội danh đưa, nhận hối lộ gần đây cho thấy sự thiếu thuyết phục. Vì thế cần có thêm biện pháp giám sát hoạt động điều tra. Theo Điều 317 BLTTHS 2015, HĐXX có quyền triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên,… đến tòa để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Nếu HĐXX đã nghiên cứu kỹ hồ sơ cùng các quyền hạn luật cho phép thì không dễ gì mà tội phạm bị bỏ lọt. Muốn vậy cần phát huy vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, nhất là đạo đức nghề nghiệp bằng việc xét xử công tâm, độc lập, chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử để làm rõ người nhận hối lộ dù CQĐT hay VKS cố tình che giấu.

Một thẩm phán tại TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm