Người đi xe máy, ô tô sắp ‘cõng’ phí mới

Bộ Tài chính vừa yêu cầu các bộ, ngành chức năng đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Theo các chuyên gia, loại phí này sẽ tác động rất lớn đến người đi xe máy, ô tô, hoạt động vận tải hàng hóa và cả nền kinh tế như thuế môi trường xăng dầu vừa áp dụng tăng kịch khung.

Lo phí chồng phí

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam, cho rằng hiện có rất nhiều loại phí đối với môi trường, xăng dầu đang chịu các loại thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập DN, nếu thu thêm phí khí thải nữa thì sẽ phí chồng phí.

“Chi phí logistics không giảm mà tăng thêm khi cước vận tải tăng theo phí khí thải, thuế bảo vệ môi trường. DN tăng chi phí thì giá thành sản phẩm hàng hóa cũng tăng theo, thị trường tiêu thụ giảm thì DN bị ảnh hưởng” - ông Hiệp nói.

Anh Minh Vũ, kinh doanh nông sản tại TP.HCM, cho rằng từ ngày 1-1-2019 áp dụng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch trần, nay thêm phí khí thải là bất hợp lý, có hiện tượng phí chồng thuế. Nếu thu thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu, sau đó thu tiếp phí môi trường trên phương tiện thì có nghĩa là thu phí hai lần.

“Nghịch lý là thu nhập của người dân không tăng trong khi giá điện, nước tăng, viện phí cũng tăng. Khi đẻ thêm phí, thuế tăng thì giá cả hàng hóa té nước theo mưa, chi phí tăng, người dân phải thắt lưng buộc bụng giảm chi tiêu. Hệ quả là nhu cầu tiêu dùng giảm, DN giảm doanh thu, thuế nộp cho ngân sách giảm, nền kinh tế bị ảnh hưởng” - anh Vũ bức xúc.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ nhiệm HTX Vận tải Thăng Long, cho rằng hiện đã có quy định tiêu chuẩn mức xả thải ra môi trường đối với phương tiện giao thông như tiêu chuẩn Euro 2, Euro 4. Như vậy, phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường phải dựa vào tiêu chuẩn xả thải của phương tiện, phụ thuộc vào tuổi xe.

Theo ông Liên, trước khi phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường cần làm rõ khí thải phương tiện tác động như thế nào đến môi trường. Mức thu phí phải được đưa ra một cách thuyết phục sau khi đánh giá mức độ tác động khí thải phương tiện giao thông lên môi trường.

Các chuyên gia cho rằng trước khi thu phải chứng minh khí thải tác động thế nào đến môi trường mới thuyết phục được người dân. Ảnh: VIẾT LONG

Ai gây ô nhiễm mới đóng phí

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết đưa ra các loại thuế, phí để bảo vệ môi trường là cần thiết, thế nhưng phải hợp lý, đúng đối tượng và việc thu phí, thuế đó mang lại hiệu quả cho môi trường.

Ông Đồng cho biết ở Đức, Nhật Bản… có những loại phí, thuế bảo vệ môi trường như Việt Nam nhưng khác tên gọi, vừa có phí khí thải vừa có thuế môi trường đối với xăng dầu. Tuy nhiên, phí khí thải ở các nước này áp dụng rất hợp lý, chỉ áp dụng với những phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải theo quy định. Đặc biệt, mức phí khí thải này được tính toán rất kỹ, tương ứng với mức chi phí mua thiết bị lọc khí thải để đảm bảo khí thải sạch theo quy định của chính phủ.

Ví dụ ở Nhật, mức phí khí thải mô tô khoảng 15 USD/năm, ô tô khoảng 100 USD/năm. Nếu người dân mua thiết bị lọc khí thải từ các công ty đã được kiểm định với mức giá tương đương mức phí khí thải phải đóng trên thì xe đạt tiêu chuẩn, không phải đóng phí.

“Như Việt Nam hiện nay áp dụng quy định mức xả thải ô tô là Euro 4 trở lên thì những ô tô đạt Euro 4, trên tiêu chuẩn này như Euro 5, Euro 6 thì không phải đóng phí khí thải này. Còn những xe không đạt mức này thì phải đóng phí hoặc phải lắp đặt thiết bị lọc khí thải để xe đạt tiêu chuẩn mới khỏi đóng phí khí thải” - ông Đồng chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành, cho hay nếu thu phí khí thải thì phải tạo ra động lực khuyến khích người dân lựa chọn các phương tiện có công nghệ đáp ứng việc phát thải thấp mới mang lại hiệu quả thực sự. Phương tiện nào phát thải khí gây ô nhiễm nhiều hơn sẽ phải chịu phí cao hơn, trên nguyên tắc đối tượng nào gây ô nhiễm thì phải đóng phí môi trường.

Ông Trường cho rằng nếu “cõng” quá nhiều thuế, phí, xe máy, ô tô lại tăng giá, người dân lại chịu thiệt nặng nề nhất. Vì vậy, đã có áp thuế bảo vệ môi trường, đã có quy định về tiêu chuẩn khí thải thì không nên có thêm phí khí thải.

Khẩn trương phương án thu phí bảo vệ môi trường

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ TN&MT, GTVT, NN&PTNT… đề nghị sớm có đề xuất xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Trong văn bản gửi đi, Bộ Tài chính đề nghị các bộ khẩn trương đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải bao gồm: đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu/nộp phí, quản lý, sử dụng phí. Những thông tin này sẽ gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu trình Chính phủ ban hành nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền. Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ phân công đơn vị chuyên môn phối hợp trong quá trình nghiên cứu dự thảo nghị định và trình Chính phủ ban hành nghị định thu phí.

Khi đưa ra các loại phí, thuế, cơ quan chức năng phải có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực tế. Các mức thu phải có tính toán, nghiên cứu mức độ ảnh hưởng lên người dân, xã hội. Điều quan trọng nhất vẫn là công khai, minh bạch nguồn thu thuế, phí đó sử dụng vào bảo vệ môi trường như thế nào, hiệu quả mang lại với đời sống, sức khỏe người dân.

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia kinh tế

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm