Nguyễn Ngọc Tư thuộc típ nhà văn “né” công chúng, chị chỉ chịu xuất hiện giao lưu với độc giả khi bà Thế Thanh, Giám đốc Saigon Media Book, hứa: “Cuộc nói chuyện chỉ có khoảng 40 người”. Thế nhưng lượng độc giả hâm mộ Nguyễn Ngọc Tư đã vượt xa dự đoán khiến nữ nhà văn tỏ rõ sự lúng túng, ngại ngùng của mình trước sự hâm mộ của nhiều độc giả lớn tuổi.
Khi bắt buộc phải dùng tới đại từ nhân xưng, Nguyễn Ngọc Tư ngập ngừng như cảm thấy đại từ “tôi” phổ biến không phù hợp. Rồi từ phút đó Nguyễn Ngọc Tư ngập ngừng, cân nhắc, rụt rè xưng “em” với độc giả lớn tuổi, hoặc xưng “mình”, hay “tôi” với những độc giả trẻ. Chị trao đổi về văn chương rất tha thiết nhưng cũng không kém phần dí dỏm.
Vẫn còn nỗi canh cánh mang tên “Cánh đồng bất tận”
Trước thắc mắc của bạn đọc lớn tuổi về tác phẩm “đình đám” Cánh đồng bất tận rằng chị có sợ khi gặp sức ép từ nhiều phía và liệu nỗi sợ đó có bị ảnh hưởng đến những sáng tác của chị sau này, Nguyễn Ngọc Tư tâm sự: “Khi viết xong Cánh đồng bất tận, cảm giác của em cũng rất khủng khiếp, không thể diễn tả được. Nếu mỗi năm em đều viết một Cánh đồng bất tận như thế thì chỉ có hai cách: một là chọn cái chết nhẹ nhàng, hai là bỏ nghề viết. Nhưng bây giờ em đã quên nỗi sợ đó. Có thể mọi người vẫn nhớ, vẫn xem nó như một tì vết, vẫn nghĩ và sợ giùm em. Nhưng mỗi thời điểm, mỗi độ tuổi người ta có cảm nhận khác nhau...
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thích thú lắng nghe lời chia sẻ của một độc giả. Ảnh: TRÀ GIANG
Về số phận của nhân vật Nương trong truyện, một bạn đọc trẻ hỏi liệu chị có quá “mạnh tay” với Nương trong khi nhìn chị thì thấy rất hiền. Nguyễn Ngọc Tư cười hiền hiền: “Mình đã từng viết nhiều cái kết khác nhau cho Cánh đồng bất tận nhưng cuối cùng vẫn phải chọn cái kết đó, mặc dù nó có ác với Nương chút chút. Khi viết, mình không đặt đề cương mà cứ để câu chuyện phát triển tự nhiên. Và một khi mọi thứ đã tung tóe ra thì không thể vo tròn lại được”.
Một bạn đọc trẻ lại thắc mắc: “Em thích đọc những tản văn của chị hơn là các truyện ngắn. Liệu những tản văn mà chị viết là từ những trải nghiệm thật của mình hay có yếu tố hư cấu?”. Nguyễn Ngọc Tư lý giải: “Có thể tôi viết truyện là dành cho ai đó nhưng viết tản văn là viết cho mình. Tản văn như là một giải pháp để tôi giải tỏa những suy nghĩ. Vì nhiều khi mình nghĩ nhiều quá, lan man quá mà truyện thì không chuyển tải hết nổi. Hoặc khi không nghĩ ra tứ để viết truyện, để không mất cảm giác của người viết, tôi viết tản văn. Nó cũng là cách giữ lửa cho mình và viết tản văn cũng… bán được cho các báo”.
“Tại sao trong văn, chị gọi con mình là bạn? Ở ngoài đời, chị có gọi con mình vậy không?” - một bạn đọc hỏi cắc cớ. Nguyễn Ngọc Tư dí dỏm: “Vì tôi thực sự coi con tôi là bạn. Tôi học được nhiều thứ từ trẻ con lắm. Mà tôi cũng thấy khả năng làm mẹ của tôi không nhiều nên coi là bạn được rồi...”.
Hệ thống chi tiết giàu ý nghĩa
Là người giới thiệu tập truyện mới Khói trời lộng lẫy của Nguyễn Ngọc Tư, PGS-TS Trần Hữu Tá nhận xét: “Truyện của Tư không thể đọc nhanh”. Chỉ có đọc chậm rãi, suy ngẫm thì mới cảm nhận hết. Ông cho rằng những câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư cũng không thể tóm tắt lại, kể cho ai, hay chia sẻ được. Vì “văn Nguyễn Ngọc Tư là một hệ thống chi tiết giàu ý nghĩa, phải đích thân đọc, thấm thía với từng chi tiết dù nhỏ nhưng đầy ẩn ý”. Nhà văn Trần Hữu Tá cũng ấn tượng với phương ngữ Nam Bộ trong văn Nguyễn Ngọc Tư, “phương ngữ xuất hiện vừa phải, không quá đậm đặc như trong văn Hồ Biểu Chánh nhưng duyên dáng và sinh động, đủ để bạn đọc mọi miền có thể cảm nhận dễ dàng”.
Nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng cái tạo nên ấn tượng của văn Nguyễn Ngọc Tư không phải vấn đề về chữ nghĩa hay phương ngữ vì đó chỉ là kỹ năng. Theo nhạc sĩ Dương Thụ, điều quan trọng là cuộc sống nhân văn trong tác phẩm. Sự nhân văn thể hiện bằng những va chạm nhỏ nhất trong nội tâm của nhân vật.
Còn bà Nguyễn Thế Thanh thì gửi gắm Nguyễn Ngọc Tư cứ ở lại với cánh đồng của cô, với nắng và gió xứ Cà Mau của mình để có thêm nhiều tác phẩm hay cho độc giả. Và lâu lâu, chị lại làm một cuộc “trình diễn” trước công chúng, cũng là cách để làm phong phú hơn vốn sống cho mình...
Chiều 12-11, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã có buổi trò chuyện với độc giả tại quán Cà phê Chiều thứ 7 (TP.HCM) nhân dịp chị ra mắt tập truyện Khói trời lộng lẫy. Tập truyện gồm hơn 11 truyện ngắn, mỗi truyện là một nét cau mày, nét cười hóm hỉnh, nét trề môi... trên gương mặt văn chương Nguyễn Ngọc Tư. Sau 10 năm xuất hiện trên văn đàn, Nguyễn Ngọc Tư đã xuất bản 14 tập sách và đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. |
ĐỨC HẠNH lược ghi