Những nghề hốt bạc và ế ẩm trong ngày đầu năm

Ghi nhận của phóng viên Pháp Luật TP.HCMvào sáng 28-1 (mùng Một tết) chứng minh điều đó.

Bong bóng hình gà trống hút khách sáng mùng Một tết. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bong bóng hình gà trống hút khách

Năm nay là Đinh Dậu nên bong bóng hình gà trống được bày bán rất nhiều. Anh Minh (bán bong bóng trên đường Nguyễn văn Quá, quận 12, TP.HCM) cho biết ngày thường bong bóng mỗi cái chỉ độ 8.000 đồng đến 10.000 đồng. Chưa hết, mỗi ngày cao lắm bán được 30 cái.

“Thế nhưng những ngày gần tết giá một bong bóng hình gà trống giá 20.000 đồng vẫn nhiều người mua. Mới sáng mùng Một tết, trong vòng hai tiếng tôi bán được gần 20 cái. Từ giờ tới tối tôi ước chừng sẽ bán được thêm 50 cái” – anh Minh vui vẻ nói.

Nhiều người xếp hàng mua cơm chay trong ngày đầu năm. Ảnh: TRẦN NGỌC

Cơm chay tăng giá vẫn ùn ùn khách mua

Quán cơm chay trên đường Lũy Bán Bích (Tân Phú, TP.HCM) khách đến mườn mượt. Bà Tư (chủ quán) cho biết ngày thường chỉ có ba người phục vụ với giá bán mỗi phần từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng.

“Nhiều người đầu năm muốn ăn chay để tâm được thanh tịnh. Do vậy hôm nay tôi huy động con, cháu cả thảy sáu đứa mà xoay sở không kịp. Khách có người ăn tại chỗ, có người mua về nhà nên phục vụ bở hơi tai. Giá cả cũng tăng mỗi phần độ 3.000 đồng nhưng không nghe ai kêu ca. Ngày nào cũng được như vậy chắc tôi giàu to” – bà Tư vừa nói vừa cười hè hè.

Mua vé số ngày đầu năm để cầu may. Ảnh: TRẦN NGỌC

Mua vé số cầu may

“Nhiều người ngày thường không dám bỏ 10.000 đồng mua tờ vé số nhưng đầu năm lại “chơi sộp” mua cùng lúc 10 tờ để cầu may. Ngày thường tôi bán độ 200 tờ, nhưng hôm nay chưa hết buổi sáng tôi đã bán trên 150 tờ” – ông Thành (bán vé số gần trên đường Lý Thường Kiệt, huyện Hóc Môn, TP.HCM) nói với giọng sung sướng.

Vừa nhét năm tờ vé số mới mua vô túi áo, ông Hùng (chạy xe ôm) cho biết tiền chạy xe mỗi ngày chỉ đủ mua gạo, cá nên đâu dư giả để mua vé số. “Hôm nay mùng Một tết mua vài tờ cầu may, biết đâu ông Trời thương cho trúng độc đắc” – ông Hùng hy vọng.

Múa lân chạy sô ná thở trong ngày tết. Ảnh: TRẦN NGỌC

Múa lân chạy sô không kịp

Ông Tùng (trưởng đoàn nghệ thuật của một đội múa lân ở quận 11, TP.HCM) cho biết các đoàn múa lân hầu như chỉ hoạt động mùa trung thu, mùa tết hoặc phục vụ các doanh nghiệp nhân dịp khai trương. Còn những ngày khác thì ngáp dài dài.

“Hôm nay (mùng Một tết – PV) tôi có bảy sô, ngày mai (mùng Hai tết) có đến tám sô. Từ đây tới tháng Giêng còn sô chạy dài dài. Mỗi sô ngày thường không tới hai triệu đồng, nhưng tết nhất tôi ra giá 2,5 triệu mà chẳng ai lắc đầu. Tranh thủ kiếm tiền trong ngày tết để ra Giêng còn có cái mà ăn” – ông Tùng chia sẻ.

Các điểm giữ xe quanh chùa Hoằng Pháp chật kín trong sáng mùng Một tết. Ảnh: TRẦN NGỌC

Gửi xe phải năn nỉ

Hầu như tết đến là những căn nhà quanh khu vực chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TP.HCM) tận dụng từng khoảng trống để giữ xe.

Bà Thảo (chủ một điểm giữ xe) cho biết căn nhà bà đang ở ngày thường bán cà phê kiếm vài đồng tiền lẻ. Tết đến bà mang toàn bộ bàn ghế lên lầu để giữ xe. “Nói nào ngay, bên trong và vỉa hè trước nhà cũng để được 50 chiếc. Giá cả cũng giống như những điểm khác, cứ 10.000 đồng mỗi chiếc. Nhiều lúc chật chỗ, khách phải năn nỉ nhưng đành chịu. Mỗi ngày tôi giữ cũng trên 100 lượt xe nên kiếm cũng bộn” – bà Thảo không giấu giếm.

 Nhiều người ngồi chờ sửa xe ngày đầu năm. Ảnh: TRẦN NGỌC

Sửa xe giá nào khách cũng chịu

Điểm sửa xe của ông Tuấn trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TP.HCM) liên tục có khách mà hầu hết bị thủng ruột xe.

“Ngày thường tôi vá mỗi lỗ thủng là 10.000 đồng, thay ruột xe là 80.000 đồng. Ngày tết, khách dẫn xe tới là tôi ra giá thay ruột 120.000 đồng, vá lỗ thủng 15.000 đồng. Khách ưng thì làm, không thì thôi. Thế nhưng không khách nào từ chối bởi ai cũng muốn vá xe hoặc thay ruột cho nhanh để còn về với gia đình trong ngày đầu năm” – ông Tuấn nói.

Tiệm thuốc Tây ế ẩm sáng mùng Một tết. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tiệm thuốc Tây ế ẩm

Do sợ bệnh hoạn cả năm khi phải mua thuốc uống trong ngày mùng Một tết nên nhiều người mặc dù bị ấm đầu, sổ mũi, đau bụng… cũng ráng chịu đựng chứ không lê chân ra tiệm mua thuốc. Nắm được tâm lý nên nên nhiều tiệm thuốc Tây đóng cửa trong ngày đầu năm. Tiệm thuốc nào mở cửa thì cầm chắc ế ẩm.

Chị Vân (chủ tiệm thuốc Tây trên đường Cách mạng Tháng Tám, Tân Bình, TP.HCM) lắc đầu: “Ngày thường khách ra vào liên lục, vậy mà suốt buổi sáng nay chỉ bán được bốn người. Chiều nay tôi đóng cửa luôn, cùng chồng con đi chợ hoa Nguyễn Huệ chơi”.

Các cây xăng vắng hoe buổi sáng đầu năm. Ảnh: TRẦN NGỌC

Cây xăng vắng tanh

“Đêm 30 tết ai cũng đổ đẩy bình xăng, hy vọng năm sau công việc thuận buồm xuôi gió. Do vậy sáng mùng Một tết hầu như các cây xăng rất vắng khách, họa hoằn chỉ có vài người vào mua” – ông Hiếu (chủ cây xăng trên đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, TP.HCM) nói.

Ông Hiếu cho biết ngày thường mỗi sáng ông bán cho độ 200 khách. Vậy mà suốt sáng mùng Một tết ông chỉ bán được cho gần 20 khách nên liên tục ngồi ngáp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm