Những vụ sự cố do hành khách gây ra làm chấn động ngành hàng không

(PLO)- Bên cạnh các sự cố do lỗi động cơ, các sự cố hàng không do hành khách gây ra cũng để lại những hậu quả không nhỏ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong năm 2022, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ghi nhận hơn 2.300 sự cố hàng không do hành khách gây ra, trong đó có 823 trường hợp nghiêm trọng đến mức phải tiến hành điều tra, theo tờ The Washington Post.

Tuy nhiên, không riêng ở Mỹ, các sự cố hàng không đã từng xảy ra trên nhiều chuyến bay của không ít hãng hàng không trên khắp thế giới. Trong đó, có sự cố chỉ gây ra hoản loạn tạm thời cho hành khách nhưng cũng có những tai nạn để lại hậu quả thảm khốc.

Một máy bay của hãng hàng không quốc gia Pháp Air France. Ảnh: REUTERS

Một máy bay của hãng hàng không quốc gia Pháp Air France. Ảnh: REUTERS

Đe dọa trên máy bay

Tháng 11-2022, một chuyến bay nội địa Mỹ của hãng hàng không Frontier Airlines từ Cincinnati (bang Ohio) đến Tampa (bang Florida) đã phải chuyển hướng đến TP Atlanta (bang Georgia), sau khi phi hành đoàn phát hiện một hành khách mang dao rọc giấy và đe dọa hành hung trên máy bay.

Vụ việc không dẫn đến thương vong. Hành khách trên bị cảnh sát TP Atlanta tạm giữ để điều tra về hành vi nói trên. Một nhân viên sân bay cho biết hành khách trên đã dọa đâm các hành khách đi cùng chuyến bay và thành viên phi hành đoàn.

Trên người và trong hành lý của hành khách này, cảnh sát phát hiện có 2 cái dao rọc giấy. Theo tờ The New York Times, tại Mỹ, dao rọc giấy là vật dụng bị cấm mang lên máy bay sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001.

Tháng 3-2023, trên chuyến bay của hãng hàng không United Airlines từ TP Los Angeles (bang California, Mỹ) đến Boston (bang Massachusetts, Mỹ), ông Francisco Severo Torres (33 tuổi) cố gắng mở cửa thoát hiểm khi chỉ còn 45 phút nữa là máy bay hạ cánh. Tuy nhiên, ông Torres đã không thể mở cửa được vì chênh lệch áp suất.

Sau khi bị các thành viên phi hành đoàn ngăn cản, ông Torres đã đưa ra lời đe dọa. Ông nói mình là con trai của ma cà rồng Dracula và mong bị bắn chết để được sống lại. Ông dọa sẽ “giết mọi người trên chuyến bay này”.

Theo tờ The Guardian, ông Torres sau đó rút ra một chiếc thìa kim loại đã bị gãy, đuổi theo và tìm cách đâm vào cổ một tiếp viên hàng không. Trước tình huống nguy cấp, một nhóm hành khách đã tìm cách khống chế ông Torres. Người này bị bắt giữ khi máy bay hạ cánh.

Ông Francisco Severo Torres dùng thìa đe dọa tiếp viên trên chuyến bay của United Airlines. Ảnh: AP

Ông Francisco Severo Torres dùng thìa đe dọa tiếp viên trên chuyến bay của United Airlines. Ảnh: AP

Tháng 4-2023, một chuyến bay tới thủ đô London (Anh) của hãng hàng không Air India đã phải quay trở lại sân bay Delhi (Ấn Độ) sau khi một hành khách gây "tổn thương thân thể" cho 2 thành viên phi hành đoàn.

Bình luận sau vụ việc, Air India cho biết: "Chuyến bay AI-111 từ Delhi đến London với 256 hành khách đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Delhi, sau khi một hành khách có hành vi gây náo loạn trên máy bay". Hành khách này đã bị nhân viên an ninh sân bay tạm giữ sau khi máy bay hạ cánh.

Hút thuốc trên máy bay

Vào tháng 10-2022, một hành khách người Israel trên chuyến bay của hãng hàng không El Al từ TP Tel Aviv (Israel) đến thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã hút thuốc trong nhà vệ sinh của máy bay. Khi anh ta bắt đầu hút thuốc, chuông báo khói lắp trong nhà vệ sinh của máy bay kêu lên.

Nghe thấy tiếng chuông báo động, hành khách này đã ném mẩu thuốc lá còn đang cháy vào thùng rác, khiến khăn giấy và rác bên trong lập tức bốc cháy.

Các tiếp viên hàng không sau đó phải dùng bình chữa cháy để dập lửa. Chuyến bay hạ cánh an toàn đúng lịch trình mà không có thiệt hại đáng kể nào.

Vào năm 1973, chiếc máy bay Boeing 707 của hãng hàng không Varig Airlines, từ TP Rio de Janeiro (Brazil) đến thủ đô Paris (Pháp) đã phải hạ cánh khẩn cấp gần sân bay Paris-Orly và bốc cháy dữ dội. Nguyên nhân của việc hạ cánh là có hành khách ném điếu thuốc vào thùng rác nhà vệ sinh. Toàn bộ 122 hành khách trên chuyến bay đều thiệt mạng, theo The New York Times.

Sau khi hay tin có sự cố, cơ trưởng chuyến bay đã nhanh chóng báo cho trung tâm kiểm soát không lưu và xin hạ cánh khẩn cấp. Một đường băng đã được dọn sạch cho chiếc máy bay trên. Tuy nhiên, chiếc máy bay hạ cánh xuống một cánh đồng gần đó, sau 15 phút kể từ khi cơ trưởng báo cáo sự cố.

Hành khách và phi hành đoàn trên một chuyến bay của United Airlines trấn áp hành khách gây rối. Ảnh: AP

Hành khách và phi hành đoàn trên một chuyến bay của United Airlines trấn áp hành khách gây rối. Ảnh: AP

Ông Jean‐Francois Frerot - giám đốc tại trung tâm kiểm soát không lưu sân bay Paris-Orly - nói rằng: “Chỉ một phút rưỡi nữa thì có thể máy bay đã hạ cánh an toàn. Như vậy có lẽ đã cứu được tất cả hành khách”.

Hành khách mở cửa thoát hiểm

Vào tháng 11-2022, hành khách Elom Agbegninou (34 tuổi) đã cố mở cửa thoát hiểm máy bay của hãng hàng không Southwest Airlines (Mỹ) khi nó đang bay ở độ cao hơn 10.000 m.

Theo tài liệu của tòa án, bà Agbegninou đã đi xuống phần sau của máy bay và nhìn chằm chằm vào cửa thoát hiểm. Một tiếp viên đã đến hỏi thăm bà, đề nghị nếu không dùng nhà vệ sinh thì bà nên về lại chỗ ngồi.

Bà Agbegninou sau đó đã hỏi một tiếp viên khác xem có thể nhìn ra cửa sổ được không. Khi các tiếp viên nói không, bà đã lách qua họ và đến nắm cần mở cửa thoát hiểm.

Một hành khách đã cố gắng ngăn bà Agbegninou lại, nhưng anh này sau đó bị bà Agbegninou cắn vào đùi. Sau khi không mở được cửa, bà Agbegninou đã đập đầu xuống sàn máy bay và nói Chúa bảo bà ấy mở cửa máy bay.

Vụ việc đã buộc máy bay hạ cánh khẩn cấp. Bà Agbegninou bị cảnh sát bắt giữ sau đó.

Ngày 26-5, trên chuyến bay của hãng hàng không Asiana Airlines chở gần 200 hành khách đến sân bay quốc tế Daegu (Hàn Quốc), một nam hành khách đã tự ý mở cửa thoát hiểm khi máy bay đang ở độ khoảng 200 m so với mặt đất.

Ngày 27-5, cảnh sát Hàn Quốc cho biết vị hành khách trên nói rằng ông mở cửa thoát hiểm là do cảm thấy "nghẹt thở" và muốn nhanh chóng thoát ra ngoài, theo hãng tin AFP.

Sau khi bị cảnh sát thành phố Daegu bắt giữ và thẩm vấn, hành khách trên cho biết ông "bị căng thẳng sau khi mất việc gần đây".

"Ông ấy cảm thấy chuyến bay mất nhiều thời gian hơn dự kiến và cảm thấy nghẹt thở khi ở bên trong cabin. Ông ấy muốn thoát ra ngoài thật nhanh" - một quan chức cảnh sát Daegu nói.

Theo AFP, theo luật an toàn hàng không của Hàn Quốc, nam hành khách trên có thể phải đối mặt với hình phạt tù 10 năm.

Hành khách mở cửa máy bay của Asiana Airlines có thể đối mặt với hình phạt tù lên đến 10 năm. Ảnh: REUTERS
Hành khách mở cửa máy bay của Asiana Airlines có thể đối mặt với hình phạt tù lên đến 10 năm. Ảnh: REUTERS

Video ghi lại cho thấy sau khi hành khách trên mở cửa thoát hiểm, gió mạnh đã luồng vào bên trong máy bay, hất tung tóc của hành khách. Nhiều người đã phải hét lên vì hoảng sợ.

Sau khi máy bay hạ cánh, 9 hành khách đã phải nhập viện vì gặp các vấn đề về hô hấp. Một quan chức địa phương cho biết tất cả họ đã được xuất viện sau khoảng 2 giờ được thăm khám. Sau sự cố trên, Asiana Airlines thông báo sẽ ngừng bán ghế chổ cửa thoát hiểm trên 14 máy bay A321-200 của hãng. “Để đảm bảo an toàn, biện pháp này sẽ được áp dụng ngay cả khi các chuyến bay đã kín chỗ” - hãng hàng không Hàn Quốc cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm