Ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội đã thông tin như vậy tại cuộc giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 26-4.
“Chúng tôi vẫn đang triển khai cả các biện pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục các điếm úng ngập này” - ông Hùng thông tin thêm.
Cụ thể theo báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội, 16 điểm này gồm quận Hoàn Kiếm 3 điểm (ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hòa, cửa ga Hà Nội); quận Ba Đình có ba điểm (phố Cao Bá Quát và hai điểm trên phố Đội Cấn); quận Đống Đa hai điểm tại phố Nguyễn Khuyến và đường Trường Chinh; quận Hoàng Mai ba điểm (bến xe Giáp Bát, phố Nguyễn Chính, dốc thương binh phố Thanh Đàm); quận Tây Hồ một điểm (ngã ba Ba La - Thụy Khuê); quận Cầu Giấy có ba điểm (phố Trần Bình đoạn BV 19/8, phố Hoa Bằng, phố Phan Văn Trường); quận Bắc Từ Liêm một điểm (khu ngã tư Xuân Đỉnh-Tân Xuân).
Theo ông Hùng, hiện số lượng điểm úng ngập cục bộ đã giảm đáng kể so với những năm trước. Cụ thể qua theo dõi năm 2014 có 33 điểm úng ngập, năm 2015 còn 23 điểm và đến nay còn 16 điểm.
Ông Hùng cho hay khi xảy ra mưa lớn phía Công ty Thoát nước HN sẽ triển khai lực lượng ứng trực, phương tiện, thiết bị theo đúng phương án đã duyệt. Đồng thời vận hành các trạm bơm, các cửa phai đưa nước vào hồ điều hòa để tăng nhanh khả năng tiêu thoát nước; phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông phân luồng giao thông, phấn đấu sau khi hết mưa từ 30 đến 90 phút sẽ rút hết nước, đảm bảo giao thông.
Tuy nhiên, các giải pháp duy trì, ứng trực chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài các khu vực này cần được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước hoàn chỉnh.
“Kể cả khi các dự án thoát nước hoàn thành thì vẫn còn bốn điểm úng ngập tồn tại vì đây là những điểm trũng nhất ở Hà Nội. Hiện chúng tôi đã đặt các trạm bơm tự động để khắc phục, giảm thời gian đọng nước tại các điểm này” - ông Hùng nói.