Đúng, sai vụ tranh cãi giữa Đoàn Luật sư TP.HCM và Bộ Tư pháp

Trong vụ 320 luật sư (LS) bị Đoàn LS TP.HCM xóa tên vào cuối năm 2018 do liên tục nhiều năm không đóng phí liên đoàn và phí thành viên, hiện Đoàn LS TP.HCM với Bộ Tư pháp cùng Liên đoàn LS Việt Nam (VN) có sự bất đồng về cách xử lý tiếp theo.

Bộ Tư pháp: Phải thu hồi chứng chỉ hành nghề

Đầu năm 2019, khi công khai thông tin xóa tên nêu trên, Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM Nguyễn Văn Trung cho báo chí biết: Đoàn sẽ gửi văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề LS, đề nghị Liên đoàn LS thu hồi thẻ LS của các LS đó. Tuy nhiên, đến nay đoàn vẫn không gửi văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề của họ.

Theo Bộ Tư pháp, thiếu sót này không chỉ xảy ra ở Đoàn LS TP.HCM mà còn ở nhiều đoàn LS khác. “Một số đoàn LS chỉ gửi đến Bộ mỗi quyết định về việc xử lý kỷ luật xóa tên. Cá biệt có đoàn cho rằng việc xóa tên đó không phải là hình thức kỷ luật và đã chấp thuận cho các LS bị xóa tên gia nhập lại đoàn không đúng quy định” - trong văn bản ngày 24-5 gửi đến Liên đoàn LS, Bộ Tư pháp phản ánh.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Tư pháp đã đề nghị Liên đoàn LS lưu ý các đoàn LS khi xóa tên LS do không đóng phí thành viên phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Luật LS và điều lệ Liên đoàn LS. Việc xem xét cho gia nhập lại đoàn phải làm theo đúng Luật LS. Theo đó, phải sau ba năm kể từ ngày có quyết định thu hồi chứng chỉ, người đã bị thu hồi chứng chỉ hành nghề LS muốn hành nghề trở lại mới được xem xét cấp chứng chỉ khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn LS.

Các yêu cầu này cũng được Bộ Tư pháp lặp lại trong văn bản ngày 28-5 gửi đến Đoàn LS TP.HCM.

Đoàn LS TP.HCM: Không phải là kỷ luật

Rất bất ngờ là Đoàn LS TP.HCM đã từ chối thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp cùng nhắc nhở của Liên đoàn LS vì cho là “không đúng với các quy định”.

Trong văn bản ngày 10-7 gửi đến Bộ Tư pháp và Liên đoàn LS, Đoàn LS TP.HCM đã viện dẫn cả từ điển tiếng Việt và điều lệ Đảng Cộng sản VN để quả quyết là “không thể thực hiện”.

Theo Đoàn LS TP.HCM, việc xóa tên các LS không đóng phí thành viên là “đương nhiên xóa tên” chứ không phải là “kỷ luật xóa tên”. Đoàn cho là việc không đóng phí thành viên, không tiếp tục hành nghề chính là việc các LS mặc nhiên rút khỏi đoàn LS, không thể áp dụng quy trình xử lý kỷ luật xóa tên vì các LS đó đã “biến mất”…

Xóa rồi rút gây bất bình đẳng

- Ở TP.HCM: Cuối tháng 3-2019, tức ba tháng sau khi ra quyết định xóa tên 320 LS không đóng phí, đoàn LS đã đề nghị Bộ Tư pháp không thu hồi chứng chỉ hành nghề của sáu LS trong số này. Lý do: Sau khi nhận được quyết định xóa tên thì họ đã đóng phí và nộp đơn xin gia nhập lại.

- Ở Hải Phòng: Tháng 10-2018, đoàn LS đã ra quyết định xóa bỏ hình thức xóa tên một LS. Lý do: Sau khi có quyết định xóa tên thì LS này đã có đơn trình bày nguyên nhân chậm nộp và đã đóng đủ số phí còn thiếu. Dựa theo đề nghị của Đoàn LS TP Hải Phòng, Liên đoàn LS đã hủy quyết định thu hồi thẻ LS đối với trường hợp này.

Theo Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), việc cho phép gia nhập lại ngay như thế tạo ra sự bất bình đẳng trong việc xét kỷ luật LS, làm phát sinh rủi ro, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc không tuân thủ quy định của Luật LS. 

Ý kiến của chúng tôi: Bộ Tư pháp đúng!

Theo chúng tôi, Đoàn LS TP.HCM đã có sự nhầm lẫn về vi phạm của LS và cách thức chế tài đối với các trường hợp vi phạm.

Theo Điều 85 Luật LS, khi vi phạm quy định của luật này, điều lệ, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS VN và quy định khác của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS thì LS có thể bị kỷ luật tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Hình thức kỷ luật cao nhất là xóa tên khỏi danh sách LS của đoàn LS.

Về phía Liên đoàn LS, điều lệ Liên đoàn LS VN 2015 đề ra nhiều nghĩa vụ cụ thể của các thành viên, trong đó có nghĩa vụ nộp phí thành viên đầy đủ và đúng kỳ hạn (điểm k khoản 2 Điều 27). Vi phạm nghĩa vụ nộp phí được xếp vào quy định “kỷ luật đối với LS” (Điều 40). Theo điểm c khoản 3 và khoản 5 điều này, nếu 18 tháng không đóng phí sau khi đã được thông báo công khai trong phạm vi đoàn LS thì LS đương nhiên bị xóa tên khỏi danh sách đoàn.

Cần lưu ý là theo Luật LS và điều lệ Liên đoàn LS thì chỉ có hai trường hợp xóa tên là kỷ luật LS và giải quyết cho LS rút tên khỏi đoàn. Như vậy, nếu không phải LS xin rút tên thì xóa tên theo kiểu nào cũng đều là kỷ luật. Đối với các vi phạm khác, việc kỷ luật xóa tên phải tuân thủ quy trình kỷ luật và phải theo đề nghị của hội đồng khen thưởng, kỷ luật của đoàn. Đối với vi phạm nghĩa vụ đóng phí, thủ tục xóa tên đơn giản hơn rất nhiều lần vì rõ ràng là như vậy, ai cũng thừa nhận và ban chủ nhiệm đoàn được quyền quyết định ngay.

Tóm lại, liên quan đến các bước liền theo của việc xóa tên các LS không đóng phí (như thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề, thẻ LS, gia nhập lại đoàn LS), Bộ Tư pháp và Liên đoàn LS đã chỉ đạo đúng. Việc không thực hiện theo của Đoàn LS TP.HCM là sai.

Trường hợp cho là quy định của điều lệ Liên đoàn LS chưa phù hợp hết với thực tế vì có những trường hợp không thể đóng phí do bất khả kháng (như đã mất, không còn ở VN…) thì Đoàn LS TP.HCM có thể kiến nghị Liên đoàn LS chỉnh sửa điều lệ. Hướng xử lý có thể là đương nhiên xóa tên nhưng không thuộc diện bị kỷ luật.

“Chỉ căn cứ tiêu đề của điều luật thì thật là máy móc, nguy hiểm”

Phóng viên: Vì sao Đoàn LS TP.HCM đã không gửi văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề của các LS bị đoàn xóa tên do không đóng phí, thưa ông?

Đúng, sai vụ tranh cãi giữa Đoàn Luật sư TP.HCM và Bộ Tư pháp ảnh 2
LS Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM

+ LS Nguyễn Văn TrungChủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM (ảnh): Ban chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM đã gửi quyết định xóa tên 320 LS không nộp phí thành viên liên tục trong nhiều năm cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM, Liên đoàn LS VN. Việc thu hồi chứng chỉ hành nghề LS thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp.

Riêng đối với thẻ LS, trước khi ra quyết định xóa tên, ban chủ nhiệm đoàn đã nhiều lần gửi thư bằng đường bưu điện (nhưng đều bị trả lại do không có người nhận), gửi email và gọi điện thoại nhưng đều không được trả lời. Vì vậy, việc thu hồi thẻ LS không thể thực hiện được. Do ban chủ nhiệm cũng đã thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của đoàn nên thẻ LS của các LS bị xóa tên đều không còn giá trị sử dụng.

. Trong công văn ngày 10-7, đoàn cho đó là “đương nhiên xóa tên” chứ không phải “kỷ luật xóa tên” nên không thể làm quy trình, thủ tục xử lý kỷ luật xóa tên theo yêu cầu của Bộ Tư pháp và Liên đoàn LS. Tuy nhiên, Điều 40 Điều lệ Liên đoàn LS đã quy định việc đương nhiên xóa tên là “kỷ luật đối với luật sư” và khi đã là kỷ luật thì phải theo quy định chung của Luật LS…

+ Nhận thức và áp dụng pháp luật mà chỉ căn cứ tiêu đề của điều luật thì thật là máy móc, phiến diện và nguy hiểm. Tiêu đề của Điều 40 là “kỷ luật đối với LS” nhưng về nội dung có sáu khoản thì chỉ có bốn khoản quy định về kỷ luật LS.

Như vậy, việc LS bị ban chủ nhiệm đương nhiên xóa tên không phải là hình thức kỷ luật, không phải theo đề nghị của hội đồng khen thưởng, kỷ luật và không thuộc trường hợp vi phạm theo khoản 4 Điều 40.

. Trên thực tế, đoàn đã hoặc sẽ cho những trường hợp xóa tên do không đóng phí gia nhập lại đoàn như thế nào?

+ Chúng tôi áp dụng theo khoản 2 Điều 20 Luật LS. Ban chủ nhiệm Đoàn LS TP chấp nhận cho họ gia nhập lại đoàn LS nếu họ có chứng chỉ hành nghề LS và nộp đủ hồ sơ theo quy định.

Thực tế đã có sáu trường hợp nộp hồ sơ gia nhập lại được Ban chủ nhiệm Đoàn LS TP chấp nhận và đã được Liên đoàn LS VN cấp lại thẻ LS. Còn lại ba trường hợp nộp hồ sơ sau khi có văn bản của Bộ Tư pháp thì đã bị Liên đoàn LS từ chối cấp thẻ LS. Sự từ chối này là vi phạm Luật LS.

Xin cám ơn ông.

 KIM PHỤNG thực hiện 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm