Từ tố giác của Sở Y tế, triệt phá đường dây làm giả bằng cấp

TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa bác kháng cáo xin giảm án, phạt Nguyễn Chí Linh năm năm sáu tháng tù, Nguyễn Thế Anh Tuấn năm năm tù, Phạm Nguyễn Thái Bảo bốn năm tù và Phan Nhật Minh ba năm tù cùng về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

HĐXX nhận định quá trình điều tra đã xác định có 12 trường hợp mua giấy tờ giả. Trong đó 3 trường hợp đã sử dụng giấy tờ giả nộp vào các cơ quan, tổ chức và bị phát hiện, còn lại mua nhưng chưa sử dụng. 

Ba trường hợp đã sử dụng là có dấu hiệu hình sự, cấu thành tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Nhưng TAND tỉnh Đồng Tháp chưa xem xét xử lý mà cho rằng 12 trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự là không chính xác. 

Kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị xem xét khởi tố điều tra hành vi của những đối tượng mua giấy tờ giả là có căn cứ. Tuy nhiên, những đối tượng trên bị xem xét về tội sử dụng, các bị cáo trong vụ án này bị xét xử về tội làm giả. Vì vậy việc xem xét hành vi của các đối tượng sử dụng giấy tờ giả không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án này. HĐXX xét thấy không cần thiết phải hủy án sơ thẩm, mà kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xem xét khởi tố, điều tra hành vi của những đối tượng có liên quan.

HĐXX nhận định 3 trường hợp mua và sử dụng giấy tờ giả nộp vào các cơ quan, tổ chức bị phát hiện là có dấu hiệu hình sự. Ảnh: H.YẾN

HĐXX nhấn mạnh việc những người mua văn bằng, chứng chỉ giả về y tế để xin vào làm việc những đơn vị có liên quan đến tính mạng con người sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh. Hành vi của các bị cáo đã gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân, cần xử nghiêm.

Từ nguồn tin báo của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đề nghị xác minh làm rõ trên địa bàn có xảy ra việc mua bán văn bằng, chứng chỉ hành nghề y tế giả, CQĐT tỉnh đã vào cuộc. 

Kết quả điều tra xác định được bốn bị cáo là bạn bè, quen biết nhau thông qua việc chơi game online tại TP.HCM. Đầu năm 2018, Linh làm thuê tại TP.HCM, quen biết với người tên Duy Ngáo (không rõ họ tên, địa chỉ) làm bằng cấp giả có thu nhập cao. Linh làm môi giới cho Duy để kiếm thêm thu nhập. Đến tháng 8-2018, hai người phát sinh mâu thuẫn nên Linh không làm cho Duy nữa mà tách ra làm riêng.

Các bị cáo đã tạo ra nhiều trang web mua công cụ máy in, máy photo, máy tính xách tay, mua phôi bằng giả, dấu giả, tem giả,... nhằm phục vụ cho việc làm văn bằng, chứng chỉ giả. Và đăng ký số điện thoại khuyến mãi lên trang web, Zalo nhằm quảng cáo để khách hàng khắp cả nước liên hệ mua văn bằng, chứng chỉ giả liên hệ. 

Các bị cáo đăng ký giao hàng tại công ty giao hàng tiết kiệm chi nhánh TP.HCM và mở tài khoản thụ hưởng để công ty giao hàng thu tiền xong chuyển vào. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Linh thay đổi nhiều địa điểm (quận 12, quận Gò Vấp) để làm giấy tờ giả, đăng ký nhiều tên shop khác nhau, có tài khoản đăng ký ở ngân hàng không phải tên của các bị cáo, thuê người bên ngoài giao hàng… 

Nhóm này đã làm ra hàng ngàn văn bằng, chứng chỉ giả và trên 20 con dấu giả bán cho khách hàng với tổng số tiền thu lợi bất chính hơn 5,4 tỉ đồng. Trong đó, Linh hơn 2,3 tỉ, Tuấn hơn 2,5 tỉ, Bảo 541 triệu và Minh hơn 34 triệu. Ngày 12-2-2020, công an đã bắt và khám xét chỗ ở của nhóm này.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.