Phóng xạ hạt nhân có thể gây bệnh gì?

Người dân VN đang lo lắng chất phóng xạ từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang bị phát tán ra ngoài môi trường có ảnh hưởng đến sức khỏe người thân của họ hiện đang ở Nhật? Để giải đáp những thắc mắc này, chúng tôi đã gặp GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư TP.HCM (ảnh).

Ung thư và đột biến DNA

PV: Thưa GS, chất phóng xạ hiện đang bị rò rỉ ra ngoài môi trường tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật sẽ gây nên những bệnh gì khi con người bị nhiễm phải?

Phóng xạ hạt nhân có thể gây bệnh gì? ảnh 1

GS-BS Nguyễn Chấn Hùng: Trong thành phần chất phóng xạ ở các lò phản ứng hạt nhân tại Fukushima, Nhật nếu bị phát tán ra môi trường có rất nhiều chất gây hại cho con người nhưng hai chất gây nguy hiểm nhất là iốt 131 và cesium 137. Iốt 131 với nồng độ cao khi đi vào cơ thể sẽ tích tụ trong tuyến giáp trạng (là một tuyến nội tiết quan trọng trong cơ thể, nằm phía trước cổ) lâu ngày sẽ gây ung thư tuyến giáp trạng. Iốt 131 có thời gian bán hủy ngắn (trong vòng một tuần) nên khoảng 20 ngày có thể tan hết trong không gian.

Chất cesium 137 phát ra các tia gamma có thời gian bán hủy dài (nhiều chục năm vẫn còn trong môi trường) và tác dụng đến nhiều cơ quan chức năng trong cơ thể. Cesium 137 tấn công và phá hủy các tế bào non trong tủy xương, gây ung thư máu (hay còn gọi là bệnh bạch cầu) và ung thư xương.

Cesium 137 còn ở rất lâu trong môi trường và phát ra các tia gamma tấn công vào nhân của các tế bào trên cơ thể người và làm cho cấu tạo của DNA bị hư hại hoặc bị phá hủy, từ đó gây đột biến DNA. Dạng đột biến này có tác hại với cơ thể trẻ em. Người mẹ đang mang thai bị đột biến DNA khi sinh con dễ bị dị dạng, quái thai, chậm phát triển trí nhớ… Đặc biệt nguy hiểm là đột biến DNA mang tính chất di truyền và gây hậu quả lâu dài cho thế hệ tương lai.

Tóm lại, trong chất phóng xạ có nhiều chất là nguyên nhân gây nên ung thư nhưng thường gặp nhất là ung thư tuyến giáp trạng, ung thư máu, ung thư xương...

Phóng xạ hạt nhân có thể gây bệnh gì? ảnh 2

Các tác hại của phóng xạ lên cơ thể con người

Người bị nhiễm xạ không lây qua người khác

. Những biểu hiện tức thì khi bị phơi nhiễm chất phóng xạ là gì?

+ Phải phân biệt người bị nhiễm phóng xạ cao trong một thời gian ngắn được gọi là nhiễm xạ cấp tính, họ có những biểu hiện như bị bỏng, buồn nôn, rụng tóc… Bệnh nhiễm xạ còn gọi là trúng độc phóng xạ, nếu liều lượng quá nặng thì tử vong trong vòng hai tháng.

. Một giả thuyết được đưa ra là nếu như có một người VN đang sinh sống ở Nhật và bị nhiễm chất phóng xạ nhưng chưa được phát hiện, khi họ về VN thì có ảnh hưởng đến cộng đồng hay không?

+ Cho đến nay, vùng rò rỉ phóng xạ không thấy mức độ trầm trọng và mức nhiễm xạ ở mức độ nhẹ. Nếu người VN về nước mà có những biểu hiện nghi nhiễm phóng xạ nên cởi bỏ hết quần áo đang mặc (để đúng nơi quy định), tắm rửa sạch sẽ thì sẽ không gây nguy hiểm cho người lân cận.

Phòng trị phải theo hướng dẫn

. Nếu như một người phải sống trong vùng bị nhiễm phóng xạ họ phải làm gì để tự bảo vệ sức khỏe của mình?

+ Nếu thực sự vùng đó bị nhiễm xạ thì phải có kết luận số đo chính xác của máy đo phóng xạ. Người dân ở khu vực đó không nên tự ý di chuyển mà nên theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng và nếu có những biểu hiện bị nhiễm phóng xạ phải đưa vào các cơ sở y tế để được chăm sóc kịp thời.

. Hiện nay, một số nước lân cận Nhật vì lo ngại bị nhiễm phóng xạ nên người dân đã mua iốt về uống, điều này có nguy hiểm đến sức khỏe khi trong môi trường họ đang sống không hề có chất phóng xạ?

+ Iốt được cung cấp đầy đủ vào trong cơ thể để tuyến giáp không hấp thụ lượng iốt 131 có trong chất phóng xạ và như thế để phòng ngừa ung thư tuyến giáp. Nếu như môi trường không nhiễm xạ mà tự ý uống iốt sẽ không có lợi gì. Một khi uống quá liều về lâu dài sẽ bị bệnh cường giáp rất nguy hiểm.

Theo Ủy ban An toàn bức xạ Quốc tế, liều lượng giới hạn cho phép được tiếp nhiễm các loại bức xạ trong một năm là 1 mSv; điều đó có nghĩa là trong vòng một năm, mỗi người dân bình thường không nên nhận một liều lượng bức xạ nhân tạo quá 1 mSv (mSv là viết tắt của microsievert, đơn vị tính mức tác động của tia bức xạ lên con người).

Phóng xạ hạt nhân có thể gây bệnh gì? ảnh 3

Đo phóng xạ cho người vừa rời khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Ảnh: AP

Tác động của ô nhiễm phóng xạ với cơ thể

- Hô hấp: Nhiễm phóng xạ có thể gây ra ung thư vòm họng, phổi.

- Máu và cơ quan tạo máu: Mô limpho và tủy xương ngừng hoạt động, làm cho số lượng tế bào trong máu ngoại vi giảm xuống nhanh chóng.

- Hệ tiêu hóa: Niêm mạc ruột bị tổn thương, dẫn đến tiêu chảy, sút cân, nhiễm độc máu, giảm sức đề kháng của cơ thể, ung thư.

- Da: Xuất hiện ban đỏ, viêm da, sạm da. Các tổn thương này có thể dẫn đến viêm loét, thoái hóa, hoại tử hoặc phát triển thành khối u ác tính trên da.

- Cơ quan sinh dục: Vô sinh.

- Sự phát triển phôi thai: Phụ nữ bị chiếu xạ trong thời gian mang thai (đặc biệt là trong giai đoạn đầu) có thể bị sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh ra trẻ bị dị tật bẩm sinh.

(Theo Ủy ban An toàn bức xạ Quốc tế)

HUYỀN VI thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm