Phương Tây làm gắt việc Nga định đưa vũ khí hạt nhân qua Belarus

(PLO)- Phát ngôn của ông Putin rằng Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus đã báo động phương Tây.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Vấn đề vũ khí hạt nhân thêm nóng giữa Moscow và phương Tây sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sang Belarus.

Vũ khí hạt nhân Nga có mặt ở Belarus mùa hè này?

Thông báo về vấn đề này ngày 25-3, ông Putin cho biết Nga đã chuyển một hệ thống tên lửa tầm ngắn Iskander (một thiết bị có thể gắn đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường) cho Belarus. Nga đã giúp Belarus nâng cấp 10 máy bay để chúng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật và sẽ bắt đầu đào tạo phi công lái những máy bay này vào đầu tháng tới.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga. Ảnh: REUTERS

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga. Ảnh: REUTERS

Ông Putin nói hiện Nga đang xây dựng một cơ sở lưu trữ chuyên dụng vũ khí hạt nhân dự kiến hoàn thành đầu tháng 7 và Nga không có kế hoạch trao quyền kiểm soát loại vũ khí này cho Belarus. Ông Putin không nói rõ thời điểm chính xác sẽ gửi vũ khí hạt nhân sang Belarus nhưng theo nhận định từ đài RT thì Belarus có khả năng nhận sớm nhất vào mùa hè này.

Theo ông Putin, điều thúc đẩy Nga đi tới quyết định này là việc Anh quyết định gửi cho Ukraine vũ khí có chứa uranium nghèo, mà Nga chỉ trích là “sự liều lĩnh tuyệt đối, vô trách nhiệm” có thể gây ra thảm họa phóng xạ ở Ukraine.

Trao đổi với đài Russia 24 TV, ông Putin nói rằng Nga chỉ hành động như Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân ở các nước đồng minh: “Không có gì bất thường ở đây cả. Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập niên. Họ từ lâu đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các quốc gia đồng minh”. Ông Putin nhấn mạnh rằng Nga sẽ làm điều tương tự mà “không vi phạm nghĩa vụ quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Nếu điều này diễn ra, đây có thể là lần đầu tiên kể từ giữa những năm 1990 Nga đưa vũ khí hạt nhân đến một nước khác.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko chưa lên tiếng. Ông Lukashenko đã nhiều lần nêu lo ngại rằng vũ khí hạt nhân do Mỹ triển khai tới các nước Liên minh châu Âu (EU) đe dọa an ninh nước mình. Tháng 10-2022, ông Lukashenko đề cập các cuộc đàm phán “chia sẻ hạt nhân” giữa Washington và Warsaw, cảnh báo khả năng vũ khí hạt nhân Mỹ có thể được bố trí ở Ba Lan, nước có biên giới với Belarus. Thời điểm đó, ông Lukashenko nói Minsk cần “các biện pháp thích hợp” và ông sẽ thảo luận vấn đề này với Moscow.

Belarus không còn vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ mình kể từ đầu những năm 1990. Ngay sau khi Liên bang Xô viết tan rã, Belarus đã đồng ý chuyển giao tất cả loại vũ khí hủy diệt hàng loạt từ thời Liên Xô trên lãnh thổ mình cho Nga.

“Vũ khí hạt nhân là biện pháp răn đe và phòng ngừa chiến tranh chứ không phải là một công cụ để đe dọa” - Bộ Ngoại giao Ukraine.

NATO, EU, Ukraine phản ứng mạnh

Ngày 26-3, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), EU, Ukraine cùng lên tiếng chỉ trích kế hoạch của ông Putin bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus là “nguy hiểm và vô trách nhiệm”.

Người phát ngôn NATO Oana Lungescu cho rằng sự so sánh của ông Putin không hợp lý. Theo bà, “việc Nga viện dẫn câu chuyện chia sẻ hạt nhân của NATO là hoàn toàn sai, các đồng minh NATO hành động với sự tôn trọng đầy đủ các cam kết quốc tế về hạt nhân”, trong khi đó “Nga liên tục phá vỡ các cam kết về kiểm soát vũ khí hạt nhân, gần đây nhất là đình chỉ tham gia Hiệp ước New START”. Nga đình chỉ New START từ tháng 2, vốn là hiệp ước giữa Mỹ và Nga nhằm giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà hai nước có thể triển khai và thanh sát các cơ sở hạt nhân hai bên.

EU dọa sẽ trừng phạt Belarus nếu nước này cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ mình. Lithuania kêu gọi trừng phạt không chỉ Belarus mà cả Nga.

Tại Ukraine, Bộ Ngoại giao nước này chỉ trích gay gắt kế hoạch của ông Putin là “bước đi khiêu khích”, làm suy yếu “toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế”, kêu gọi Mỹ và các nước lớn chống lại "vụ tống tiền hạt nhân" của Nga. Ukraine cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhóm G7 và EU họp khẩn. Bộ Ngoại giao Ukraine cũng kêu gọi Belarus “ngăn chặn việc thực hiện các mục đích tội phạm liên quan đến việc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus”, nếu không điều này sẽ biến Belarus thành “con tin của điện Kremlin”.

Mỹ - một siêu cường hạt nhân của thế giới có phản ứng ngay trong ngày 25-3 nhưng thận trọng hơn. Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá rằng chuyện Nga và Belarus bàn về vũ khí hạt nhân không mới và Mỹ sẽ “theo dõi tác động” sau tuyên bố của ông Putin.

Chưa biết diễn tiến thế nào. Bà Lungescu cho biết NATO chưa tính tới chuyện điều chỉnh tư thế hạt nhân của mình, vì chưa nhận thấy có sự thay đổi nào trong tư thế hạt nhân của Nga. Tuy nhiên, NATO sẽ theo dõi chặt động thái từ Nga và cam kết bảo vệ tất cả đồng minh NATO.

Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ tái cam kết bảo vệ tập thể của liên minh NATO nhưng cũng xác nhận tới thời điểm này không có dấu hiệu nào cho thấy Nga có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân. Ngày 26-3, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nói thêm rằng “thực tế chúng tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy ông ta (ông Putin) có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân bên trong Ukraine”. Mỹ vẫn giữ chủ trương “không nên tiến hành chiến tranh hạt nhân, không thể chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân”.•

Chuyên gia: Chưa thấy dấu hiệu căn cứ hạt nhân ở Belarus

Như lời ông Putin nói, Nga sẽ bắt đầu huấn luyện các phi công Belarus vào đầu tháng 4 để lái máy bay mang bom hạt nhân và hoàn thành các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật trước ngày 1-7.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hạt nhân hoài nghi về các mốc thời gian mà họ cho là đầy tham vọng này, theo tờ The Guardian. Họ đề cập việc Nga đã xây dựng một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad trong ít nhất bảy năm và vẫn chưa rõ liệu việc này đã hoàn thành và cơ sở này đã đón vũ khí hạt nhân chưa.

Theo ông Hans Kristensen, Giám đốc dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, tính đến thời điểm này không có hình ảnh vệ tinh nào xuất hiện có thể cho thấy thứ gì đó tương tự đang được xây dựng ở Belarus.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm