Điểm danh 39 cây Di sản Việt Nam ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập

(PLO)- 39 cây Di sản Việt Nam vừa được công nhận ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) có tuổi đời từ khoảng 200 đến 450 tuổi. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-11, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao tặng bằng công nhận Cây di sản cho 39 cây thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Bù Gia Mập. Lễ trao tặng nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập VQG Bù Gia Mập (27-11-2002 – 27-11-2022).

39 cây được công nhận là cây Di sản thuộc quản lý của VQG Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước bao gồm: quần thể 37 cây Săng lẻ hay còn gọi là bằng lăng (Lagerstroemia calyculata Kurz) tại Khoảnh sáu – Tiểu khu 21 nằm trong Phân khu Hành chính xã Bù Gia Mập; một cây Sộp (Ficus superba Miq) tại Khoảnh bốn; một cây Tung (Tetrameles nudiflora R.Br) tại Khoảnh ba thuộc Tiểu khu 27 nằm trong Phân khu Phục hồi sinh thái VQG Bù Gia Mập, thuộc xã Đăk Ơ.

Các đại biểu mở bia đá vinh danh cây Di sản tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Các đại biểu mở bia đá vinh danh cây Di sản tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Ông Hoàng Anh Tuân, Phó Giám đốc Ban quản lý VQG Bù Gia Mập cho biết hiện tại các cây Di sản được công nhận đang sinh trưởng, phát triển tốt, tán lá cân đối đồng đều. Các cây đều thuộc quyền quản lý, chăm sóc, bảo vệ của Ban quản lý VQG Bù Gia Mập.

"Sự kiện góp phần phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn nguồn gen các loài thực vật quý hiếm. Qua đó, tôn vinh giá trị nhân văn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đồng thời góp phần xây dựng và nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cho người dân địa phương" - ông Tuân nói thêm.

Việc bảo tồn cây Di sản ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập góp phần bảo tồn môi trường sống cho các loài động vật hoang dã.
Việc bảo tồn cây Di sản ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập góp phần bảo tồn môi trường sống cho các loài động vật hoang dã.

Theo ông Tuân, 39 cây Di sản sẽ là điểm nhấn giúp cho Vườn và các công ty lữ hành có thêm tuyến, điểm tham quan mới.

Vượn đen má vàng trong VQG Bù Gia Mập.

Vượn đen má vàng trong VQG Bù Gia Mập.

Bên cạnh đó, khi du lịch phát triển không chỉ thu hút đông đảo du khách đến tham quan tại Vườn mà còn tạo công ăn việc làm, phát huy tốt những tiềm năng thế mạnh về nét văn hóa riêng, đặc sắc của người S’tiêng và M’nông ở nơi này.

Cây Săng lẻ, một trong 39 cây Di sản được công nhận tại VQG Bù Gia Mập.

Cây Săng lẻ, một trong 39 cây Di sản được công nhận tại VQG Bù Gia Mập.

PGS-TS Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng cây Di Sản Việt Nam cũng nhìn nhận sự kiện là một thành tích mới trong công tác bảo tồn của VQG Bù Gia Mập.

“Quần thể Săng lẻ, cây Tung và cây Sộp cổ thụ thuộc lâm phần của VQG Bù Gia Mập được công nhận là cây Di sản Việt Nam khẳng định đây là đơn vị tiên phong của tỉnh Bình Phước tạo nên dấu ấn thành công gắn công tác bảo tồn với định hướng phát triển du lịch sinh thái. Sự kiện đồng thời mở ra hướng đi mới trong sử dụng, phát huy được thế mạnh của tài nguyên rừng, kết hợp giữa bảo tồn và phát triển rừng bền vững ” – TS Hải nói.

Ba loại cây Di sản Việt Nam tại VQG Bù Gia Mập

- Cây Tung: Phân bố chủ yếu ở Bình Phước, Ninh Bình, Lâm Đồng…Đây là loài duy nhất của chi Tetrameles, gỗ mềm, dùng trong xây dựng và đóng đồ dùng gia đình, vỏ thân dùng làm thuốc nhuận tràng. Ước tính cây khoảng 450 tuổi.

- Cây Săng lẻ: Phân bố chủ yếu ở Bình Phước, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum… Gỗ có dác màu trắng, lõi màu vàng xám hay màu nâu, cứng và nặng. Gỗ kém bền nếu để ngoài trời, dễ cưa xẻ nhưng khó gia công dùng trong xây dựng, đóng đồ đạc. Ước tính cây từ 200-400 tuổi.

- Cây Sộp: Phân bố từ Hải Phòng đến Kiên Giang, Bình Phước. Là loại cây trang trí cảnh quan, có thời gian rụng lá ngắn, thích hợp cho các công viên. Cây sộp có nhiều quả, là thức ăn quan trọng của chim thú. Ước tính cây khoảng 300-350 tuổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm