HOÀNG TỬ GẤU VÀ HẠT ĐẬU THẦN

Quà Trung thu cho khán giả nhí

Hôm nay (13-9), tại Nhà hát TP.HCM sẽ công diễn vở kịch thiếu nhi Hoàng tử gấu và hạt đậu thần trong chương trình “Ngày xửa ngày xưa” do Sân khấu kịch IDCAF thực hiện .

Chuyện kịch kể về cô công chúa Hoa Hồng tám tuổi vốn hay giận hờn, buồn tủi vì cậu hoàng tử nhỏ Hoa Hướng Dương, em trai của mình, suốt ngày giành đồ chơi, quậy phá nhưng lại luôn được cha mẹ cưng chiều hết mực. Hoa Hồng từ vị trí là trung tâm của hoàng cung bỗng ít được quan tâm hơn hẳn. Mọi sự chú ý đều dồn hết về Hoa Hướng Dương vì hoàng tử còn quá nhỏ. Nhưng Hoa Hồng không hiểu được điều này, cô bé cho rằng em mình giành mất cha mẹ và sự quan tâm của mọi người dành cho mình. Vậy nên cô công chúa nhỏ đã bị mụ phù thủy Chồn Hôi dụ dỗ dùng hạt đậu thần của bà tiên Đậu Nành ban cho, biến em mình thành gấu để không còn tranh giành với mình nữa.

Đạo diễn Đình Toàn và các diễn viên đã tạo nên những lớp diễn xúc động, rưng rưng ở các cảnh diễn tâm lý sâu sắc. Hoa Hồng đã rất phân vân khi biến em mình thành gấu với câu tự vấn: “Liệu em mình có trở thành người lại được không?”. Khi em trai đã bị biến thành gấu, Hoa Hồng vô cùng đau khổ, hối hận, tuyệt vọng…

Quà Trung thu cho khán giả nhí ảnh 1

Công chúa Hoa Hồng (Mỹ Duyên) và bạn ngỗng (Đình Toàn) tìm đường đi cứu Hoa Hướng Dương khỏi kiếp gấu. Ảnh: HÒA BÌNH

Những cảnh diễn rất gần gũi với tâm lý trẻ con vốn hay ganh tỵ, gây gổ với anh chị em mình. Đặc biệt, trong những gia đình luôn có ít con cái hiện nay, đứa trẻ thường trở nên đòi hỏi và ích kỷ thì câu chuyện nhắc nhở các em hãy biết thương yêu cha mẹ, anh chị em, người thân của mình, hãy biết hy sinh, nhường nhịn vì tình thân vốn rất quý giá, khi mất đi sẽ vô cùng đau khổ.

Câu chuyện kịch ý nghĩa, gần gũi này vốn được tác giả Quang Thảo lấy ý tưởng từ chuyện có thật của cô bé hàng xóm.

Vở kịch kết thúc có hậu. Công chúa Hoa Hồng đã dám dấn thân vào rừng sâu bất chấp hy sinh cả tính mạng để giải lời nguyền cứu hoàng tử em mình. Cuối cùng, với hạt đậu thần chính là tình yêu thương người thân trong trái tim mình, công chúa đã biến em mình trở lại thành hoàng tử. Cả hoàng cung lại rộn rã, vui vầy vì sự đoàn viên của các thành viên trong gia đình.

Cái kết đoàn viên của vở kịch cũng là món quà mà đạo diễn Đình Toàn muốn dành tặng khán giả thiếu nhi trong cái tết đoàn viên - Trung thu năm nay. Vở diễn được dàn dựng với gần 100 bộ phục trang lộng lẫy, vui tươi, sinh động cùng với những điệu múa hát tưng bừng.

Nhiều chương trình sân khấu thiếu nhi cho Trung thu

Kịch thiếu nhi Ngàn lẻ hai đêm: Vào 19 giờ 30 tối 19-9 (đúng đêm rằm tháng 8, tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh sẽ trình diễn vở kịch Ngàn lẻ hai đêm của tác giả - đạo diễn Trần Khiết. Vở kịch màu sắc, vui nhộn, kết hợp câu chuyện Aladin và cây đèn thần với câu chuyện nàng Sheherazade kể một ngàn lẻ một câu chuyện trong một ngàn lẻ một đêm cho đức vua Shahriyar để khỏi bị chém đầu trong truyện Ngàn lẻ một đêm của nước Ba Tư cổ. Trước khi vào vở diễn có phần ca múa nhạc thiếu nhi sinh động.

Kịch xiếc Cậu bé rừng xanh: Tarzan và muôn thú: Vở diễn ra vào lúc 19 giờ 30 các ngày 14 và 15-9 tại Trung tâm Văn hóa quận Thủ Đức, TP.HCM. Vở kết hợp giữa nhiều tiết mục xiếc người và xiếc thú như tung hứng - chồng người, nhào lộn trên không, khỉ chạy xe đạp ném bóng - thảy vòng, chó làm toán - nhảy vòng… Vở mở màn với hoạt cảnh chú Cuội, chị Hằng, bầy thỏ ngọc và múa lân Hằng Anh Đường.

Cải lương thiếu nhi Chú Cuội và cây đa thần: Vở do HTVC Thuần Việt đầu tư thực hiện, biểu diễn phục vụ miễn phí cho thiếu nhi vào lúc 19 giờ 30 ngày 16-9 tại Nhà hát TP.HCM; sau đó sẽ phát sóng lại vào đêm Trung thu trên HTVC Thuần Việt. Vở lấy sự tích Chú Cuội cây đa do đạo diễn Hoàng Duẩn dàn dựng kiêm viết kịch bản (Tô Thiên Kiều chuyển thể cải lương). Tham gia vở diễn có các nghệ sĩ: Lê Thiện, Bạch Long, Bảo Trí, Linh Trung, Tú Sương… và hai diễn viên cải lương nhí con gái nghệ sĩ Tú Sương là bé Hồng Quyên, Tú Quyên.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm