Quản lý yếu, xe buýt tràn mặt đường

Vụ tai nạn giữa xe buýt và xe máy sáng 6-3 tại giao lộ Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM) khiến một học sinh lớp 6 thiệt mạng tiếp tục gióng lên tiếng chuông báo động về cách tổ chức, điều hành xe buýt hiện nay.

Tuyến xe buýt chồng chéo, bất hợp lý

TP.HCM hiện có khoảng 2.900 xe buýt chạy trên 150 tuyến, mỗi giờ có hơn 800 xe buýt tỏa ra mọi nẻo đường, trong đó toàn là xe loại lớn 50-80 chỗ. Từ năm 2002 đến nay, bên cạnh việc tăng số đầu xe, Sở GTVT cũng tăng tần suất hoạt động xe buýt lên gấp nhiều lần, đạt khoảng 19.500 lượt chuyến/ngày. Trong đó có rất ít xe đạt hệ số ghế trên 70% khách/chuyến. rất nhiều chiếc xe buýt cồng kềnh, choán gần hết mặt đường chỉ chở lèo tèo vài ba khách.

Nhiều năm qua trên nhiều tuyến Sở GTVT vẫn giữ biểu đồ giãn cách giữa hai chuyến không quá 10 phút mà ít chú ý đến lượng khách thực tế đi trên từng chuyến/tuyến vào các giờ khác nhau. Việc sắp xếp biểu đồ giờ bất hợp lý như trên dẫn đến xe buýt chạy nối đuôi nhau trên đường, góp phần gây kẹt xe và đẩy nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) lên cao.

Các trục đường như Kinh Dương Vương - Hùng Vương - Hồng Bàng - An Dương Vương; cụm trục đường Phan Đăng Lưu - Hoàng Văn Thụ - Xuân Diệu - Xuân Hồng - Trường Chinh... đều có hàng chục tuyến xe buýt đi qua. Từ các khu vực trong TP đổ về Bến xe Miền Đông có khoảng 20 tuyến xe buýt chạy hơn 2.000 chuyến/ngày nên các đường xung quanh khu vực này như Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh thường xuyên xảy ra kẹt xe.

Xe buýt “so kè” làm choán hết mặt đường. (Ảnh chụp gần cầu vượt Hàng Xanh) Ảnh: L.ĐỨC

Theo một sĩ quan Đội CSGT quận Phú Nhuận, do có tới tám tuyến xe buýt đi qua cùng lúc nên ở tuyến đường Phan Đăng Lưu, người đi xe máy thường bị xe buýt ép vào lề hoặc phải leo lên vỉa hè để đi. “Việc bố trí quá nhiều tuyến xe buýt qua trục đường nhỏ hẹp này luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất cao. Vụ tai nạn sáng 6-3 là một minh chứng” - vị sĩ quan nói.

Tại cuộc họp về ATGT diễn ra ngày 5-3, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín bức xúc trước tình trạng có quá nhiều tuyến xe buýt đi xuyên tâm, qua các trục huyết mạch của TP. Ông Tín chỉ đạo Sở GTVT phải rà soát, bố trí lại ngay luồng tuyến xe buýt qua các tuyến đường trục, trung tâm TP.

Bố trí trạm dừng bất hợp lý

Hiện TP có hơn 4.670 điểm dừng, nhà chờ xe buýt. Việc có không ít trụ dừng, nhà chờ được bố trí bất hợp lý đã góp phần làm gia tăng ùn tắc, TNGT.

Cụ thể, vừa qua khỏi ngã tư Thủ Đức chưa tới 50 m (theo hướng từ Đồng Nai về) là nhà chờ xe buýt nằm bên hông cầu vượt bằng thép. Nhà chờ này là nơi hàng chục tuyến xe buýt từ Đồng Nai, khu ĐH Quốc gia, ĐH Nông Lâm, Suối Tiên… tấp vào đón khách, trong khi lẽ ra phải đi thẳng qua cầu vượt. “Tình trạng các dòng xe buýt giành nhau dừng đón khách ở khu nhà chờ này đã làm bó hẹp phần đường còn lại bên hông cầu vượt, gây ra nhiều vụ va quẹt với các dòng xe ô tô khác và xe máy” - Trung tá Đỗ Thanh Lâm, Phó Đội trưởng Đội CSGT Rạch Chiếc, cho hay.

Cách chân cầu vượt Hàng Xanh chưa tới 100 m, theo hướng từ cầu Sài Gòn vào là nhà chờ, dừng đón, trả khách của 13 tuyến xe buýt từ hướng cầu Sài Gòn lên. Nhà chờ này chỉ cách ngã ba đường D2 - Điện Biên Phủ chưa tới 15 m, nhiều lúc có tới gần chục xe buýt của 13 tuyến cùng tấp vào nên chặn dòng lưu thông của các dòng xe trên đường Điện Biên Phủ. Tình trạng trên cũng tái hiện ở khu vực gần các cầu vượt bằng thép như Lăng Cha Cả, Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, Ba Tháng Hai- Nguyễn Tri Phương, Cây Gõ.

Tháng 12-2013, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, chỉ đạo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (trung tâm) phải rà soát, di dời ngay các trạm dừng, nhà chờ ra xa khu vực cầu vượt. Cạnh đó, trung tâm phải kiểm tra, xử phạt các xe, đơn vị xe buýt có tuyến với lộ trình đi thẳng qua cầu vượt mà vẫn cố tình cho xe đi bên hông, phía dưới cầu. Tuy nhiên, đến nay mọi chuyện vẫn không có chuyển biến. Lý do được phía trung tâm đưa ra là “việc dời nhà chờ khỏi khu vực cầu vượt sẽ làm nhiều tuyến xe buýt bị mất khách”.

̉ dụng hộp đen chưa hiệu quả

Theo một chuyên gia công nghệ thông tin, từ dữ liệu hộp đen gắn trên hàng ngàn xe buýt và hệ thống máy chủ, trung tâm có thể thực hiện được việc điều tiết lượng xe buýt lưu thông trên từng tuyến đường, điểm dừng, nhà chờ… căn cứ vào mật độ giao thông trên đường. Khi đó sẽ không có cảnh xe buýt ào ạt tràn ra đường, chen lấn vào các dòng xe khác hoặc vào-ra nhà chờ, trụ dừng tùy tiện.

“Nếu phát hiện một tuyến đường đang ùn tắc, lượng hành khách đi xe buýt lại không đông, trung tâm có thể ra lệnh giãn cách các chuyến cho hợp lý hơn. Khi đó tình hình ùn tắc, TNGT chắc chắn được được cải thiện. Ngoài ra, dữ liệu từ hộp đen có thể giúp phát hiện kịp thời xe buýt đang chạy quá tốc độ, lấn làn đường để trung tâm nhắc nhở, cảnh cáo kịp thời. Nhưng tiếc rằng đến nay hộp đen mới chỉ được dùng để… phạt nguội tài xế là chính!” - vị chuyên gia nói.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

 

TP.HCM hiện có gần 57% tuyến xe buýt bị trùng lắp, trong khi ở các nước cao lắm là 30%-40%. Ở các nước, các tuyến chỉ được trùng nhau khoảng 20%-30% chiều dài tuyến đường nhưng ở TP nhiều tuyến trùng nhau đến 50%-60%... Gần 40 năm qua, mạng lưới tuyến xe buýt cứ tự phát triển và được quy hoạch theo kiểu mò mẫm.

TS PHẠM XUÂN MAI,  ĐH Bách khoa TP.HCM

Các tuyến xe buýt tại TP hiện đang hướng tâm và không theo một quy hoạch cụ thể mà chỉ sắp xếp luồng tuyến theo kinh nghiệm. Ví dụ, việc có quá nhiều tuyến tập trung tại trạm trung tâm chợ Bến Thành vừa gây nên cảnh hỗn loạn vừa không hiệu quả.

Ông PHẠM VĂN VẠNG, ĐH GTVT TP.HCM

Lâu nay chúng tôi còn ngại xử phạt tài xế xe buýt do sợ sẽ gây ra kẹt xe. Nếu tài xế bất hợp tác, bỏ xe giữa đường thì chỉ 10 phút sau đoạn đường sẽ ùn tắc ngay.

Một chiến sĩ CSGT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm