Chính biến Myanmar: 38 người biểu tình bị bắn chết ngày 3-3

Vào ngày 3-3, đã có 38 người đã thiệt mạng khi quân đội trấn áp các cuộc biểu tình ở một số thị trấn và thành phố của Myanmar. Liên Hợp Quốc cho biết dây là ngày bạo lực nhất kể từ khi các cuộc biểu tình phản đối chính biến nổ ra ở nước này vào tháng trước, báo The Straits Times đưa tin.

Một ngày có 38 người thiệt mạng

Các nhân chứng cho biết, cảnh sát và binh lính đã bắn đạn trực tiếp vào đám đông mà ít khi báo trước. Một cơ quan cứu trợ cho biết trong số những người thiệt mạng có bốn trẻ em.

“Thật kinh khủng. Không có từ ngữ nào có thể diễn tả hoàn cảnh và cảm xúc của chúng tôi ” - nhà hoạt động thanh niên Thinzar Shunlei Yi nói với hãng tin Reuters qua một ứng dụng nhắn tin.

Người biểu tình nằm rạp xuống đất để tránh đạn khi quân đội nổ súng vào đám đông trong ngày 3-3. Ảnh: REUTERS

“Hôm nay là ngày đẫm máu nhất kể từ khi chính biến xảy ra vào ngày 1-2. Ngày hôm nay chúng ta đã có 38 người chết. Hiện chúng ta đã có 50 người thiệt mạng và nhiều người bị thương”- đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar, Christine Schraner Burgener, cho biết tại New York.

Tại TP Yangon, các nhân chứng cho biết có ít nhất tám người ở thành phố này đã thiệt mạng. Một người tử vong vào đầu ngày. Khi lực lượng an ninh bắt đầu nổ súng liên tục tại một khu phố ở phía bắc thành phố vào đầu giờ tối thì có thêm bảy người nữa thiệt mạng.

“Tôi nghe thấy rất nhiều tiếng nổ liên tục. Tôi nằm xuống đất, họ bắn rất nhiều” - một người biểu tình tên Kaung Pyae Sone Tun, 23 tuổi, nói với Reuters.

Nhà hoạt động dân chủ Esther Ze Naw nói với Reuters rằng sự hy sinh của những người thiệt mạng sẽ không vô ích. “Chúng tôi sẽ vượt qua điều này và giành chiến thắng” - cô nói.

Hãng tin Myanmar Now đưa tin, lực lượng an ninh ở Yangon đã bắt giữ khoảng 300 người biểu tình. Sau khi màn đêm buông xuống, người dân TP Yangon bắt đầu thắp nến và tổ chức các buổi cầu nguyện cho những người thiệt mạng.

Thị trấn miền trung Monywa có sáu người thiệt mạng. Những người chết còn lại thuộc TP Mandalay, thị trấn phía bắc Hpakant và thị trấn miền trung Myingyan.

Thế giới lên án

Bạo lực diễn ra một ngày sau khi ngoại trưởng các nước láng giềng Đông Nam Á kêu gọi kiềm chế. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm 2-3 đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến để bàn về chính biến ở Myanmar.

“Chúng tôi bày tỏ sự sẵn sàng của ASEAN trong việc hỗ trợ Myanmar một cách tích cực, hòa bình và mang tính xây dựng”- đại diện Brunei - chủ tịch ASEAN - cho biết trong một tuyên bố.

Người biểu tình tại TP Yangon. Ảnh: REUTERS

Hôm 2-3, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng cuộc chính biến là một bước lùi của Myanmar và việc lực lượng an ninh của nước này sử dụng vũ lực sát thương là "thảm họa".

Liên minh châu Âu cho rằng vụ nổ súng vào dân thường và nhân viên y tế không mang vũ khí rõ ràng là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Họ cũng cho biết rằng quân đội Myanmar đang đẩy mạnh trấn áp các phương tiện truyền thông, với việc ngày càng có nhiều nhà báo bị bắt và buộc tội. Tổ chức phóng viên không biên giới cho biết ít nhất 10 nhà báo đang ngồi tù và 26 người bị bắt kể từ cuộc chính biến.

Các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ thảo luận về tình hình ở Myanmar vào ngày 5-3 trong một cuộc họp kín.

 

Tổng thống Win Myint đối mặt 2 tội danh mới

Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint đã bị bắt giữ không lâu sau khi quân đội lên nắm quyền vào ngày 1-2.

Hiện ông Win Myint đang phải đối mặt với hai tội danh mới, bao gồm cả việc vi phạm Hiến pháp có thể bị phạt tới ba năm tù. Luật sư của ông Win Myint, ông Khin Maung Zaw, ngày 3-3 cho biết ngoài cáo buộc vi hiến, Tổng thống Myanmar còn đối mặt với cáo buộc vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, luật sư Khin Maung Zaw vẫn chưa biết ngày xét xử cụ thể của ông Win Myint.

Trong khi đó, bà Suu Kyi, 75 tuổi phải đối mặt với các cáo buộc hình sự không rõ ràng sở hữu bộ đàm không có giấy phép, cũng như vi phạm các hạn chế về dịch bệnh COVID-19 khi tổ chức một sự kiện vận động trong cuộc bầu cử năm ngoái. Bà cũng bị buộc tội vi phạm luật truyền thông cũng như có ý định kích động bất ổn công cộng.

Hiện không ai biết bà Suu Kyi đang được giam giữ ở đâu. Phe quân đội thời gian qua liên tục di dời nơi giam giữ của bà nhằm đảm bảo an ninh. Lần gần nhất bà Suu Kyi xuất hiện trước công chúng là để dự phiên toà trực tuyến hôm 1-3.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm