Khoảng 5 giờ 30 phút (giờ địa phương) ngày 29-8, đập thủy lợi Swar Chaung nằm ở miền Trung Myanmar bất ngờ bị vỡ khiến một lượng nước khổng lồ tràn vào thị trấn Swar và khoảng 100 ngôi làng lân cận, đồng thời chặn một phần đường cao tốc nối liền các TP: Yangon, Mandalay và Naypyidaw.
Một phần con đập sau khi nước rút. Ảnh: Reuters
Sau khi sự cố xảy ra, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Myanmar nhanh chóng triển khai lực lượng kịp thời ứng cứu những người vẫn còn đang mắc kẹt trong nước lũ.
Nước đang bắt đầu rút
Sáng 30-8, Reuters dẫn lời quan chức TP Yedashe, ông Min Thu, cho biết hiện nước đã bắt đầu rút nhưng vẫn còn hai người đang mất tích, sợ rằng đã bị nước cuốn trôi. Hiện vẫn chưa có báo cáo cụ thể về số thương vong nhưng có tổng cộng 2.000 hộ gia đình sống tại 100 ngôi làng đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
“Sau khi nước rút, những gia đình sống ở các khu vực cao hơn đã được phép trở về nhà" - ông Min Thu cho hay.
Nước lũ dâng sát mặt cầu thuộc tuyến cao tốc Yangon - Mandalay. Ảnh: EPA
Hiện giao thông ở khu vực các TP lớn như Yangon, Mandalay và thủ đô Naypyidaw đang bị gián đoạn sau khi một cầu trên đường cao tốc bị hư hại do lũ.
Theo Aung Zaw Htay, quan chức của cơ quan cứu hỏa Myanmar: “Thiệt hại không đến nỗi tệ nhưng cầu chưa thể lưu thông được vì nước vẫn chưa rút hết”.
Vỡ đập tràn
Sau khi nước rút, các chuyên gia đã tiến hành sửa chữa đập, đồng thời tiến hành điều tra nguyên nhân gây nên sự cố này.
"Theo nhận định ban đầu, đập chính vẫn còn nguyên vẹn chưa bị vỡ nhưng tường chắn của đập tràn bị lún khoảng 1,2 m dẫn đến sự cố tràn đập. Chúng tôi vẫn kiểm tra con đập thường xuyên và không thấy có bất cứ dấu hiệu nào trước khi sự cố xảy ra" - ông Kaung Myat Thein, một quan chức tại Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy lợi, cho biết.
Đập vỡ khiến 85 ngôi làng lân cận bị ngập lụt nghiêm trọng. Ảnh: Reuters
Đập Swar Chaung được xây vào khoảng năm 2001. Bộ trưởng Nông nghiệp-Thủy lợi Myanmar Kyaw Myint Hlaing cho biết vẫn chưa thể xác định nguyên nhân gây ra sự cố nhưng ông loại bỏ khả năng con đập có lỗi thiết kế.
“Thiết kế các đập tràn tháo nước của đập giống như mỏ vịt. Bản thân đập không bị gì mà chỉ có một trong những “mỏ vịt” vỡ. Vụ việc liên quan đến mưa lớn cũng như nhiều yếu tố khác. Chúng tôi đang cố tìm ra một biện pháp tạm thời ngăn lượng nước còn lại tràn ra” - Bộ trưởng Hlaing phát biểu.
Vài ngày trước đó, nhà chức trách cho rằng đập nước có thể chứa 266.863 m3 nước này an toàn, bất chấp lo ngại của dân chúng về tình trạng tràn nước.
Tất cả hoa màu đều ngập úng
Dù sự cố vỡ đập không gây thiệt hại nặng về người nhưng đa số hoa màu, ruộng lúa của 85 ngôi làng đều trong tình trạng ngập úng.
Một ngôi chùa trở thành điểm tị nạn của người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập. Ảnh: Reuters
"Dù chúng tôi đã sơ tán lên vùng cao hơn nhưng nhà cửa, tài sản và đồng ruộng đều hư hại" - Zaw Zaw, một nông dân 45 tuổi, cho hay ông sẽ yêu cầu chính quyền địa phương bồi thường cho những hư hại.
“Tất cả đất đai, hoa màu của tôi đều đã biến thành bùn. Tôi không còn gì cả. Tôi biết phải làm sao đây?" - Pan Ei Phyu (24 tuổi, một người dân) cho biết.
Được biết chính phủ Myanmar đang cân nhắc xây dựng các con đập thủy điện nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện lâu năm nhưng các dự án này đã gây tranh cãi do có thể tác động đến môi trường.
Đông Nam Á thường bị ảnh hưởng mưa lớn kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm.
Quốc gia láng giềng của Myanmar - Lào - vừa bị tàn phá nặng nề hồi tháng trước do mưa lớn làm vỡ một con đập lớn, giết chết ít nhất 35 người và khiến nhiều người mất tích, theo số liệu chính thức từ chính phủ.