Chuyên gia Hàn Quốc: 3-4 tháng tới sẽ có thuốc trị COVID-19

Các chuyên gia nghiên cứu virus hàng đầu Hàn Quốc dự đoán giới khoa học có thể tìm ra thuốc đặc trị COVID-19 trong 3-4 tháng tới, trước khi thế giới có được vaccine ngừa đại dịch này, báo South China Morning Post ngày 18-4 đưa tin.

Hai cái tên tiềm năng Remdesivir và Kaletra

Bác sĩ Kim Woo Joo, người đứng đầu nhóm phản ứng chống đại dịch COVID-19 của Hàn Quốc, cho biết ông "không quá lạc quan" về khả năng vaccine ngừa COVID-19 sẽ có trong vòng 18 tháng tới, nhưng thuốc đặc trị COVID-19 có thể có sớm hơn. 

Một lọ đựng thuốc Remdesivir dùng trong thử nghiệm điều trị COVID-19. Ảnh: REUTERS

Ông Kim nhắc đến một số thuốc đặc trị tiềm năng như Remdesivir (từng được dùng trong dịch sốt xuất huyết Ebola), Kaletra (dùng trong điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV (gây hội chứng suy giảm miễn dịch) và nhiều loại thuốc khác.

"Nếu mọi chuyện suôn sẻ, tôi hy vọng tính hiệu quả của các loại thuốc này sẽ được chứng minh một cách khoa học trong vòng 3-4 tháng tới" - ông Kim nói.

Bác sĩ Kim cho biết Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và Viện Các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) đang hợp tác thử nghiệm thuốc Remdesivir.

Bác sĩ Kim cho biết ông cũng tham gia vào quá trình thử nghiệm thuốc Ciclesonide (dùng trong điều trị hen và viêm mũi dị ứng), thuốc Chlorophene (dùng trong điều trị sốt rét) và nhiều loại thuốc để tìm ra thuốc đặc trị COVID-19.

Các nghiên cứu thuốc đặc trị COVID-19 trên thế giới

Bên cạnh Hàn Quốc, nhiều nước khác cũng đang coi Remdesivir là thuốc đặc trị COVID-19 tiềm năng.

Chuyên trang tin tức y dược Stat (Mỹ) hôm 16-4 cho biết Đại học Dược Chicago đã tuyển 125 tình nguyện viên nhiễm COVID-19, trong đó 113 bệnh nhân đã chuyển biến nặng phục vụ công tác thử nghiệm thuốc. Công ty Công nghệ sinh học Gilead sẽ thực hiện hai thử nghiệm lâm sàng trên các tình nguyện viên này và tiêm Remdesivir cho họ mỗi ngày.

Kết quả cho thấy thuốc Remdesivir cho hiệu quả nhanh chóng trong việc điều trị các triệu chứng sốt và các triệu chứng hô hấp ở bệnh nhân COVID-19. Hầu hết các bệnh nhân có thể được xuất viện sau chỉ một tuần.

Theo tạp chí Scientific American, hai nghiên cứu thử nghiệm thuốc Remdesivir khác cũng được tiến hành ở Trung Quốc và sẽ cho kết quả trong cuối tháng 4.

Đối với thuốc Chlorophene, bác sĩ Andrea Cortegiani thuộc Bệnh viện Đại học Paolo Giaccone (Ý) khẳng định "chúng tôi biết cách thuốc phản ứng ở cấp độ tế bào để chống lại virus, chúng tôi có bằng chứng tiền lâm sàng" về hiệu quả của Chlorophene.

Nghiên cứu về thuốc Chlorophene ở Trung Quốc cũng cho thấy kết quả khả quan.

Tuy nhiên, trợ lý giáo sư Maryam Keshtkar-Jahromi thuộc Đại học Dược Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng thuốc Chrolophene không giúp ích nhiều trong điều trị COVID-19. Bà còn lo ngại thuốc có các tác động không mong muốn đến tim.

Theo Scientific American, việc thử nghiệm Kaletra cho thấy kết quả không khả quan.

Chuyên gia vi trùng học và miễn dịch học Stanley Perlman thuộc Đại học Iowa (Mỹ) cho rằng Kaletra được tạo ra để có các phản ứng đặc biệt lên quá trình nhân lên của virus HIV và các phản ứng đó có vẻ như không hiệu quả với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Dù chưa có thuốc đặc trị, nhiều nước đã áp dụng các phác đồ riêng và điều trị thành công cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Theo chuyên trang thống kê Worldometer, có ít nhất 571.149 người đã được chữa khỏi COVID-19. Tổng số ca nhiễm đến 12 giờ trưa 18-4 là 2.250.790 người và tổng số ca tử vong được thống kê là 154.266 người. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm