Tối 25-3 (theo giờ Mỹ), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói giải cứu trị giá 2.000 tỉ USD để giúp người dân, các doanh nghiệp và hệ thống y tế nước này đương đầu với đại dịch COVID-19, đài CNN đưa tin.
Quyết định được thông qua với 96 phiếu thuận và không có phiếu chống. Có bốn thượng nghị sĩ không tham gia phiên họp vì lý do sức khỏe. Hiện tại, dự luật đang được chuyển sang Hạ viện xem xét và thông qua.
Lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Hạ viện Mỹ - ông Steny Hoyer cho biết phiên bỏ phiếu ở Hạ viện sẽ diễn ra vào 9 giờ sáng 27-3 (theo giờ Mỹ). Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thể hiện sự đồng ý với dự luật này.
Đây là gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, lớn hơn tổng giá trị gói giải cứu các ngân hàng chịu tác động của cuộc đại suy thoái năm 2008 và các chính sách thúc đẩy hồi phục kinh tế năm 2009 cộng lại.
Các biện pháp này dự kiến sẽ kéo dài nhiều tuần hoặc thậm chí là nhiều tháng để tăng cường sức khỏe cho nền kinh tế Mỹ vốn đang có nguy cơ suy thoái khi số người chết vì COVID-19 rất có thể sẽ tăng cao.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái), Giám đốc về các vấn đề lập pháp của Nhà Trắng Eric Ueland (giữa) và quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows. Ảnh: AP
Trước đó, đại diện Nhà Trắng và lãnh đạo hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Thượng viện Mỹ tuyên bố đã thống nhất quan điểm về gói cứu trợ trên, hãng tin AP cho hay.
Ông Eric Ueland, Giám đốc về các vấn đề lập pháp của Nhà Trắng, cho biết các nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận sau nửa đêm 24-3 (giờ Mỹ).
"Chúng tôi đã có một thỏa thuận" - ông Ueland hào hứng tuyên bố. Tuy nhiên, ông cũng cho biết các bên cần tiếp tục làm việc với nhau để có được một dự luật hoàn chỉnh.
Một cách tổng thể, gói hỗ trợ sẽ cung cấp các khoản chi trực tiếp cho hầu hết người dân Mỹ. Mỗi người lớn sẽ được hỗ trợ 1.200 USD và mỗi trẻ em sẽ được hỗ trợ 500 USD, tất cả sẽ được chi trả trực tiếp một lần duy nhất.
Washington cũng nâng mức trợ cấp thất nghiệp và cung cấp gói hỗ trợ 367 tỉ USD cho các doanh nghiệp nhỏ để đảm bảo các nhân viên làm việc tại nhà vẫn được trả lương.
Quá trình đàm phán trong suốt năm ngày
Cuộc đàm phán ở điện Capitol đã kéo dài năm ngày. Theo mô tả của AP, tất cả các bên đã nỗ lực vượt qua những bất đồng để đạt được một lựa chọn tốt nhất cho mỗi bên.
"Sau nhiều ngày thảo luận căng thẳng, Thượng viện đã đạt được thỏa thuận của hai đảng về gói cứu trợ lịch sử chống lại đại dịch lần này" - lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, nói.
Theo ông McConnell, "gói cứu trợ sẽ đưa các nguồn lực mới lên tuyến đầu của cuộc chiến chăm sóc sức khỏe cho đất nước. Và nó sẽ bơm hàng ngàn tỉ USD tiền mặt vào nền kinh tế nhanh nhất có thể để giúp đỡ người lao động, các gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và các ngành công nghiệp Mỹ" trong giai đoạn kinh tế khó khăn này.
Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện - Thượng nghị sĩ Mitch McConnell rời khỏi phòng họp tại điện Capitol. Ảnh: AP
Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã bảo vệ được đề xuất về các khoản tín thuế "giữ chân nhân viên" và hỗ trợ chi trả 50% tiền lương cho các nhân viên còn làm việc, ước tính tổng giá trị lên tới 50 tỉ USD. Các công ty còn hoạt động cũng được hoãn thanh toán thuế an sinh xã hội.
Đảng Cộng hòa nhấn mạnh việc hỗ trợ hàng chục tỉ USD cho các hoạt động của Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp quốc gia, trong khi các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ muốn bơm thêm tiền để giúp đỡ các bệnh viện chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Đảng Dân chủ cũng mong muốn gói hỗ trợ sẽ thay thế cho tiền lương trong bốn tháng - thay vì ba tháng như đề xuất ban đầu cho những công nhân buộc phải nghỉ ở nhà vì dịch bệnh.
Người lao động sẽ vẫn nhận được các khoản hỗ trợ thất nghiệp theo quy định của từng bang, cộng thêm 600 USD/tuần tiền hỗ trợ của chính phủ liên bang. Đáng chú ý, lần đầu tiên các nhân viên làm việc theo hợp đồng "đối tác" như tài xế Uber cũng được hưởng khoản trợ cấp này.
"Nó đảm bảo tất cả người lao động dù làm việc cho các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa hay doanh nghiệp lớn, làm việc theo dạng lao động tự do hay theo các hợp đồng đối tác đều được bảo vệ" - theo ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện.
Theo đề xuất của đảng Dân chủ, sẽ có một cơ quan thanh tra và giám sát mới để quản lý quá trình chi tiêu, tương tự những gì Mỹ đã làm trong đợt suy thoái kinh tế 2008-2009 để đảm bảo tính minh bạch. Cùng với đó, tổng giá trị gói hỗ trợ đi kèm cũng tăng vọt từ 46 tỉ USD lên 300 tỉ USD.
Tính đến trưa 26-3 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã có hơn 65.200 ca nhiễm COVID-19 và 928 bệnh nhân tử vong, theo CNN. Đây là ổ dịch lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ý.