Hãng tin Reuters ngày 26-3 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định vừa yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động của các lực lượng Mỹ ở nước ngoài trong 60 ngày tới để ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19 trong quân đội.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết chỉ thị này được áp dụng cho tất cả lực lượng Mỹ, công nhân viên quốc phòng và gia đình của họ. Tuy nhiên, sẽ có một số ngoại lệ.
Thủy quân Lục chiến Mỹ tại căn cứ không quân King Faisal ở Jordan vào tháng 6-2013. Ảnh: AFP
Chẳng hạn, chỉ có những nhân viên quân sự trọng yếu mới được phép ra vào các căn cứ Mỹ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, họ cũng sẽ được yêu cầu giữ khoảng cách với người bên trong.
“Mục tiêu nhằm đảm bảo chúng ta không mang virus về nhà, lây nhiễm cho những người khác và chúng ta không lây lan virus trong quân đội” - Bộ trưởng Esper giải thích.
Bộ Quốc phòng nước này cũng đã đình chỉ một số cuộc tập trận quân sự ở nước ngoài với các quốc gia đồng minh và hoãn các cuộc huấn luyện ở Iraq và Afghanistan.
Reuters đánh giá đây là biện pháp quyết liệt nhất của quân đội Mỹ trong việc đối phó dịch COVID-19 và nhiều khả năng sẽ gây ảnh hưởng tới các lực lượng đồn trú của cường quốc này trên toàn thế giới.
Trong khi đó, đài CNN cho hay chỉ thị mới sẽ tác động tới khoảng 90.000 quân nhân Mỹ, bao gồm cả lực lượng trở về nước và lực lượng được triển khai ra nước ngoài.
Dù vậy, việc rút các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan vẫn được tiến hành theo kế hoạch. Cụ thể, Mỹ sẽ cắt giảm số binh sĩ đồn trú ở Afghanistan từ 13.000 quân xuống còn 8.600 quân trong vòng 135 ngày.
Trong một diễn biến có liên quan, Lầu Năm Góc cùng ngày tuyên bố sẽ nâng cấp an ninh về y tế tại các căn cứ trên toàn thế giới trước tình trạng lây lan của COVID-19 trong quân đội Mỹ với gần 230 ca nhiễm được ghi nhận trong toàn lực lượng.
Trong số đó có ba binh sĩ hải quân trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, một người ở Trung tâm huấn luyện quân sự Fort Jackson, bang Nam Carolina và hơn 20 thành viên thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nâng điều kiện bảo vệ y tế (HPCON) lên mức Charlie, cấp độ cao thứ hai, chỉ tình trạng truyền nhiễm liên tục trong cộng đồng.