Địa phương có quyền sử dụng nhiều biện pháp mạnh đối với cơ sở gây ô nhiễm như đình chỉ hoạt động, di dời đi nơi khác. Tuy nhiên, nhiều địa phương lại quá dè dặt khi áp dụng mà một lý do ít được nói ra là sợ bị doanh nghiệp kiện.
Đó là nội dung đáng chú ý được nêu ra trong buổi hội thảo Thanh tra và xử lý vi phạm về môi trường do Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức ngày 6-5.
Dùng dư luận xã hội để xử lý
Không đồng tình với quan điểm trên, ông Lương Duy Hanh, Phó Chánh thanh tra Tổng cục Môi trường, khẳng định: “Quy định mới về xử phạt vi phạm môi trường xử rất nặng với cơ sở gây ô nhiễm. Các địa phương cứ thực hiện các quyền được giao, không có gì phải sợ”.
Nhiều ý kiến chỉ rõ quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường còn nhiều hạn chế, khó khăn khi áp dụng vào thực tế. Trong đó, thủ tục đình chỉ hoạt động hoặc buộc di dời cơ sở đi nơi khác còn rườm rà, khó áp dụng. Lợi dụng điều này, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chịu nộp phạt để tiếp tục tái phạm.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh thanh tra Sở TN&MT TP.HCM, đã hiến một kế rất hay để giải quyết tình trạng trên. “Tâm lý chung của các doanh nghiệp là sợ bị ảnh hưởng tới thương hiệu, uy tín trên thương trường. Do đó, dùng ảnh hưởng của dư luận xã hội để làm biện pháp chế tài sẽ rất hiệu quả trong việc xử lý vi phạm” - bà Dụ nói.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường còn nhiều hạn chế khi áp dụng. Trong ảnh: Khám nghiệm hiện trường xử lý nước thải của công ty Hào Dương. Ảnh: CTV
Thanh tra phải bất ngờ
Theo quy định, các đoàn thanh tra, kiểm tra khi thực hiện thanh tra định kỳ phải thông báo cho đối tượng thanh tra biết. Điều này gây khó khăn cho công tác thanh tra do các doanh nghiệp sẽ có thời gian, điều kiện để đối phó. Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng Nguyễn Điểu kiến nghị: “Nên quy định thủ tục thanh tra môi trường theo hướng đơn giản, nhanh gọn và đảm bảo tính bất ngờ, phù hợp với đặc điểm của thanh tra về môi trường”.
Cạnh đó, bà Dụ chỉ rõ: Quy định về trách nhiệm thanh tra, kiểm tra môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường chưa phù hợp thực tế. Cụ thể, luật quy định UBND huyện có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hay UBND cấp xã kiểm tra việc bảo vệ môi trường của hộ gia đình, cá nhân. Nhưng thực tế, địa phương là cơ quan gần dân nhất, tiếp nhận trực tiếp phản ánh của người dân. Mặt khác, đây là nơi quản lý xuyên suốt quá trình hình thành, hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, quy định như trên sẽ tạo ra sự đùn đẩy trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan nếu công tác phối hợp không chặt chẽ.
Một vấn đề được quan tâm nữa là hiện thẩm quyền xử phạt của chánh thanh tra Sở TN&MT còn thấp, tối đa là 30 triệu đồng. Rất nhiều trường hợp do mức phạt vượt thẩm quyền của chánh thanh tra sở nên Sở TN&MT phải trình chủ tịch UBND tỉnh, TP ra quyết định xử phạt. “Nên quy định thêm thẩm quyền, mức xử phạt cho giám đốc Sở TN&MT để giảm tải cho UBND cấp tỉnh, TP” - đại diện Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đề xuất.
Xử lý hình sự đơn vị gây ô nhiễm môi trường nặng Năm nay, trọng tâm của ngành thanh tra môi trường là thanh tra các cơ sở, khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên lưu vực các sông Đồng Nai, Cầu, Nhuệ. Với các cơ sở gây ô nhiễm sẽ đặc biệt chú trọng tới các biện pháp mạnh như: - Tước quyền sử dụng giấy phép có nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường. - Buộc doanh nghiệp phải xử lý triệt để ô nhiễm trong thời hạn 3-6 tháng. - Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài. - Cấm hoạt động hoặc buộc di dời đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. - Thu thập đầy đủ hồ sơ, chứng cứ các vụ gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng, chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự về môi trường theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009. - Công khai thông tin về vi phạm môi trường của các tổ chức, cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng. (Theo Tổng cục Môi trường) |
HOÀNG VÂN