Báo cáo “Điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 8-2022” của Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố nhận định rằng rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) có thể tăng trong bối cảnh phương thức huy động vốn thiếu minh bạch, định giá quá cao và phần nào do tình trạng đầu cơ.
Giá BĐS nhà ở tại các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội đã tăng thêm 30%-60% trong hai năm qua. Trong khi đó, tỉ lệ hấp thụ (doanh số bán trên giá trị hàng tồn) tương đối thấp, ngoại trừ ở một số ít phân khúc.
Thị trường bất động sản đang bị tác động bởi hàng loạt yếu tố như lạm phát, siết tín dụng. Trong ảnh: Hiện trạng một khu đất đang được phân lô, tách thửa ở Lâm Đồng. Ảnh: QH |
Các chuyên gia kinh tế của World Bank cũng đánh giá những hành vi sai trái trong quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thao túng trên thị trường cổ phiếu cũng như thị trường trái phiếu bị phát hiện đã làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư. Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khối lượng phát hành trong quý I-2022 chỉ bằng 1/10 so với quy mô của cả năm 2021, cho thấy hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang chững lại.
Chia sẻ tại hội thảo về xu hướng thị trường BĐS sáu tháng cuối năm vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs), cũng nhìn nhận trong những tháng đầu năm nay, thị trường BĐS bị tác động bởi hàng loạt yếu tố như lạm phát, dòng tiền có những dấu hiệu chậm lại khiến thanh khoản trên thị trường giảm rõ rệt. Chính sách siết tín dụng và hạn chế nguồn cung làm cho giá nhà bị đẩy lên, vượt quá sức mua của phần lớn người dân.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng phần lớn giao dịch BĐS trong hai năm qua đều là giao dịch của nhà đầu tư, chứ ít giao dịch của những người mua để ở thực.