Hàng ngàn năm qua, những dòng sông đã gắn liền với lịch sử phát triển của nhân loại. Dòng sông vừa tưới bồi cho đời sống kinh tế, mạch nối giao thông, vừa nuôi dưỡng cảm xúc và tâm hồn của mỗi người. Tuy nhiên, do tác động của sự khai thác quá mức, cách cư xử thiếu thân thiện của con người mà nhiều dòng sông đã biến đổi đáng báo động. Dự án nghệ thuật Phong cảnh sông nước biến đổi do Viện Goethe (tổ chức văn hóa Đức) tổ chức, phản ánh những vấn đề của sông nước mà con người phải đối mặt thu hút sáu nước Đông Nam Á tham gia vừa có cuộc triển lãm tại TP.HCM.
Sông liền sông: Ô nhiễm từ người láng giềng
Trong bốn nghệ sĩ Việt Nam tham gia dự án, Nguyễn Thế Sơn chọn khảo sát sông Hồng. Anh nói: “Sông Hồng là một phần máu thịt của dân tộc Việt nhưng càng ngày càng có nhiều điều bất thường. Nước sông liên tục biến sắc, lượng nước và phù sa ngày càng giảm, bị ô nhiễm. Những mùi lạ, hình ảnh lạ, hiện tượng lạ đến từ phía bên kia biên giới ngày càng gia tăng. Vì thế, tôi quyết định đi ngược sông Hồng để tìm nguyên nhân ô nhiễm”. Trong gần năm tháng đi ngược lên thượng nguồn, anh đã thấy nhiều nhà máy của người Trung Quốc xả nước thải trực tiếp ra sông. Ven sông, có những vùng bị phủ một lớp váng đen đặc quánh và không còn sinh vật sống. Bên kia biên giới, những nhà máy khai thác khoáng sản mọc lên và nhiều con đập ngăn dòng nước sông Hồng vô tội vạ. Những bức ảnh của anh cho thấy những khúc sông cạn kiệt nước, trơ đáy. Nguyễn Thế Sơn cho biết ngay bên bờ sông phía Việt Nam, người Trung Quốc cũng thuê đất, thuê nhân công trồng chuối. Những cánh đồng chuối được bón hóa chất để lớn nhanh, rút ngắn thời gian thu hoạch chỉ bằng một nửa thời gian trồng chuối thông thường. Kết quả là 40 km đất đai ven sông Hồng từ thị xã Bát Xát đến thượng nguồn sông Hồng bị nhiễm hóa chất, cằn cỗi, chai cứng.
Nghệ sĩ Thanh Mai bên tác phẩm sắp đặt những chiếc dép trôi dạt sau các trận lũ. Ảnh: TRÀ GIANG
Nguyễn Thế Sơn sắp đặt dòng chữ nói về tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc: “Núi liền núi, sông liền sông”. Mỗi con chữ là một bức thư pháp. Bên dưới, tương ứng, anh trưng bày sáu bức ảnh đen trắng ghi lại sự xuống cấp của môi trường. Ba bức ảnh hạ lưu sông Hồng có dòng chảy khô hạn. Ba bức còn lại, chụp ở thượng nguồn, hình ảnh nhà máy xả nước thải trực tiếp ra sông, các đoạn sông nổi lềnh bềnh đầy rác rến.
Nuôi cá làm ô nhiễm dòng sông
Trong một lần đi thăm những trang trại nuôi cá da trơn ở sông Cửu Long, Phan Thảo Nguyên đã nảy ra ý tưởng sắp đặt video và tư liệu về ngành công nghiệp nuôi cá. Cô quay video và chụp lại các hình ảnh nuôi cá. Trong video chiếu ở triển lãm, những bè nuôi cá thông với sông Cửu Long. Thức ăn thừa và chất thải của cá đã làm biến đổi màu nước của sông thành một màu lờ nhờ vàng đục. Có đoạn video quay cảnh người nuôi cá rải thuốc kháng sinh cho cá ngay trên mặt nước sông. Đoạn khác ghi lại cảnh các nhà máy chế biến cá xả nước đỏ màu máu cá trực tiếp ra sông.
Giám tuyển (người hướng dẫn và giám sát dự án tại Việt Nam) Trần Lương cho biết anh ấn tượng nhất hình ảnh từng miếng cá xắt lát nằm phơi khô trên băng chuyền thép đầy màu sắc chờ xuất khẩu. Về thị giác, đó là một hình ảnh đẹp nhưng đằng sau câu chuyện Việt Nam nổi tiếng về xuất khẩu cá da trơn là sự ô nhiễm nguồn nước. Cộng theo là các gia đình sống trên dòng sông, sinh hoạt trên nước và làm ô nhiễm thêm nguồn nước.
“Khi vào nhà bè nuôi cá, tôi phải rửa tay, đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ. Nhưng tôi vẫn nhạy cảm với mùi và không khí ở đây, hoàn toàn khác với hình ảnh được giới thiệu trong sách hướng dẫn du lịch” - Phan Thảo Nguyên chia sẻ.
Con người trả giá
Nghệ sĩ Thanh Mai đến từ Huế với tác phẩm Dấu tích lại tiếp cận theo chiều ngược lại. Cô sắp đặt 60 thùng gỗ đựng những chiếc dép vô chủ, trôi dạt sau những trận lụt của sông Hương. Những chiếc dép tơi tả, mòn rách gợi nên sự chìm nổi của phận người. “Tôi làm tác phẩm này dựa trên ký ức về trận lụt năm 1999 tại Huế. Khi đó tôi còn nhỏ, phải ngồi trên mái nhà ba ngày nhịn đói chờ lũ rút. Sau cơn lũ, xác người trôi dạt khắp nơi. Quân đội được huy động tới để đóng những chiếc quan tài gấp rút đặt ở bia Quốc học. Sau lũ, người dân sống trong bức màn tang thương và lo sợ. Có tin đồn rằng trong lũ có xác người bị vương trên ngọn tre. Sau lũ, người ta phải chặt tre để hạ cái xác xuống… Tôi cảm thấy phận người nhỏ bé khi thiên nhiên nổi giận” - Thanh Mai kể. Gần nửa năm trời, Thanh Mai cùng với một trợ lý đi dọc phá Tam Giang và Cồn Tè nhặt dép trôi dạt.
Tác phẩm của cô đủ loại dép, đủ kích cỡ, nhiều nhất là dép xốp. Bên cạnh các chiếc dép người lớn, có cả dép trẻ con. Nhưng hầu hết đều là dép loại rẻ tiền, điều đó làm liên tưởng đến chủ nhân của các chiếc dép trên là người nghèo. “Có người trêu chọc tôi: Coi chừng người chết về đòi dép. Nhưng tôi không cảm thấy sợ. Đây là công việc và tác phẩm nhắc nhở mọi người ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường” - Thanh Mai chia sẻ.
Triển lãm Phong cảnh sông nước biến đổi trưng bày từ ngày 12 đến ngày 16-5 tại Phòng tranh Catus Contemporary (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, phường 6, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Triển lãm trưng bày 17 tác phẩm nghệ thuật diễn tả phong cảnh sông nước đang bị đe dọa, phá hủy của 17 nghệ sĩ từ sáu nước Đông Nam Á: Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Myanmar. Một số tác phẩm ấn tượng: Tác phẩm video với các hình nộm bù nhìn của nghệ sĩ ThanSok (Campuchia) diễn tả một nơi mà những con bù nhìn rơm không bao giờ được sử dụng vì lũ lụt khiến người dân không thể thu hoạch mùa màng; Tác phẩm video của một nghệ sĩ Thái Lan cho thấy con sông Ping đã đổi dòng và cung đường vận chuyển gỗ tếch giờ đã bị chặn mãi mãi... ____________________________________ Chúng tôi thấy sáu nước Đông Nam Á có đặc điểm chung là các dòng sông bị ô nhiễm nên Viện Goethe đã triển khai đề tài này. Tại Việt Nam, tôi ấn tượng với vẻ đẹp của sông Hàn và cũng ấn tượng với sông Đồng Nai bị ô nhiễm. Ở các nước phát triển, người dân chỉ sống ven sông chứ không sống trên dòng sông như những nước đang phát triển. Do đó, các nước phát triển càng phải bảo vệ môi trường sông nước để không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. TS PAUL WEINIG, Viện trưởng Viện Goethe |
TRÀ GIANG