Vụ pate Minh Chay: 3 bệnh nhân ở TP.HCM thở máy, liệt tay chân

Ngày 7-9, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết BV đã tiếp nhận và điều trị 6 bệnh nhân nhiễm độc tố botulinum sau ăn pate Minh Chay.

Theo BS Hùng, hiện 5 bệnh nhân cải thiện khá tốt chức năng vận động, tập cai máy thở nên được chuyển tới các BV ở Đồng Nai, Khánh Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu để tiếp tục chăm sóc.

Bệnh nhân còn lại là nam, 54 tuổi, ở Bà Rịa-Vũng Tàu, từng ăn một lượng khá nhiều pate Minh Chay vào ngày 26-8. Đến sáng 27-8, bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, ói , đau bụng, sau đó rơi vào tình trạng mờ mắt, nói khó, nuốt khó, sụp mí mắt nên được chuyển tới BV ở Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bệnh nhân ngộ độc sau ăn pate Minh Chay đang điều trị tại BV Nhân dân 115 TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Do tình trạng không cải thiện, lại khó thở nên bệnh nhân được chuyển tới BV Chợ Rẫy cùng ngày. Tại đây, các BS ghi nhận bệnh nhân có triệu chứng điển hình của ngộ độc botulinum như sụp mí mắt, không sốt, tỉnh táo, thực hiện được các y lệnh. Bệnh nhân liệt khá nặng, sức cơ tay chân là 2/5, không vận động các ngón tay, không nhấc nổi tay chân khỏi mặt giường.

Bệnh nhân được lọc máu và thay huyết tương. Tuy nhiên, tình hình hiện vẫn chưa cải thiện, vẫn phải thở máy do suy hô hấp_ - BS Hùng cho biết thêm. 

Còn tại BV Nhân dân 115 TP.HCM, BS Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV, cho biết bệnh nhân bị ngộ độc sau ăn pate Minh Chay điều trị tại BV này là nữ, 41 tuổi, ở Bình Dương.

“Bệnh nhân được đưa vào BV Nhân dân 115 vào ngày 12-8 trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, yếu tay chân. Sau thời gian điều trị, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, tuy nhiên sức cơ tay chân chỉ 3/5, cơ lực  yếu cònvà phải thở máy. Các BS tiên lượng rất nặng” – BS Sóng nói.

Tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng đang điều trị 2 bệnh nhân là chị em ở Long An bị ngộ độc sau ăn pate Minh Chay.

“Người chị đã có nhịp thở nhưng vẫn tiếp tục thở máy, mấp máy mi mắt nhưng chưa thể mở mắt, tình trạng liệt tứ chi chưa cải thiện nhiều. Người em đã tạm ngưng thở máy, tự thở được 2 ngày. Bên cạnh đó, do nuốt còn sặc nên người em được nuôi ăn qua thông dạ dày” - TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm