Thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương

(PLO)-  Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương cho hay tỉnh này cam kết quan tâm, tạo điều kiện tối đa nguồn lực để Tân Uyên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 13-2, tại phiên họp 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh, gồm: An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.

Toàn cảnh phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 13-2. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Toàn cảnh phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 13-2. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Cụ thể, Chính phủ đã có tờ trình về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của 2 xã thuộc tỉnh Trà Vinh; đề xuất thành lập 1 thành phố và 3 thị xã thuộc tỉnh, 34 phường và 12 thị trấn, trong đó có 5 thị trấn là huyện lỵ ở 9 địa phương còn lại.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết việc thành lập các đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính tại 10 tỉnh đều phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương các tỉnh tiếp tục cập nhật, hoàn thiện và kịp thời ban hành kế hoạch cụ thể thực hiện nghị quyết.

Trong đó, chú trọng các nội dung về việc bố trí, sắp xếp và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đáp ứng các yêu cầu quản lý của chính quyền đô thị.

Đồng thời, có phương án bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc, tài sản của các cơ quan, tổ chức và việc chuyển đổi các loại giấy tờ hành chính cho người dân khi có nhu cầu.

Đối với tỉnh Bình Dương, phương án Chính phủ trình là thành lập thành phố Tân Uyên trên cơ sở nguyên trạng gần 192 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số hơn 466.000 người, 10 phường và 2 xã của thị xã Tân Uyên.

Tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết đề án nâng cấp Tân Uyên lên thành phố được tỉnh chuẩn bị nhiều năm. Theo ông Lợi, từ khi lên thị xã năm 2013, Tân Uyên phát triển nhanh và tích cực, bình quân tốc độ phát triển 13%/năm. Cơ cấu kinh tế, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90%, thu ngân sách khoảng 4.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, thị xã Tân Uyên đã không còn người nghèo theo tiêu chí của Trung ương, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp hơn 95%. Địa bàn thị xã có 2 khu công nghiệp là Nam Tân Uyên và VSIP; 3 cụm công nghiệp và 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động.

Bình Dương cũng đang xây mới, nâng cấp nhiều dự án quan trọng hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh. Tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp công nghệ cao; Bình Dương trở thành đô thị thông minh, văn minh, đáng sống.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương, việc Tân Uyên được nâng cấp lên thành thành phố sẽ tạo điều kiện phát triển, đóng góp chung cho tỉnh, cho vùng… “Bình Dương cam kết quan tâm, tạo điều kiện tối đa nguồn lực để Tân Uyên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh”- ông Nguyễn Văn Lợi nói.

Điều hành phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý việc điều chỉnh đơn vị hành chính sẽ dẫn đến cả triệu người thay đổi thông tin về nơi cư trú. Ông đề nghị các cơ quan liên quan rà soát căn cước công dân, cơ sở dữ liệu, đánh giá việc này sẽ ảnh hưởng ra sao để tạo thuận lợi nhất cho người dân.

Báo cáo sau đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được bổ sung, cập nhật thường xuyên với tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” nên khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lực lượng công an cơ sở sẽ cập nhật, bổ sung mà không có vướng mắc gì.

“Cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên nên dù chưa thay đổi căn cước công dân thì trong dữ liệu đã được cập nhật nên không ảnh hưởng”- Thứ trưởng Lương Tam Quang nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm