Hà Nội quyết định sáp nhập 348 thôn, tổ dân phố

Cụ thể, huyện Ba Vì sáp nhập 13 thôn thành sáu thôn mới; Chương Mỹ sáp nhập 19 thôn thành chín thôn mới; Gia Lâm là 13 thôn, tổ dân phố thành sáu thôn, tổ dân phố mới; Mê Linh sáp nhập sáu thôn, tổ dân phố thành ba tổ dân phố mới; Phú Xuyên sáp nhập sáu thôn, tổ dân phố để thành lập ba thôn, tổ dân phố mới. 

Các huyện: Phúc Thọ sáp nhập 31 thôn, tổ dân phố để thành 16 thôn, tổ dân phố mới; Quốc Oai sáp nhập 12 thôn để thành sáu thôn mới; Sóc Sơn sáp nhập 30 thôn, tổ dân phố thành 14 thôn, tổ dân phố mới; Thạch Thất sáp nhập 134 thôn, tổ dân phố thành 60 thôn, tổ dân phố mới. Cùng đó là Thanh Trì sáp nhập 35 thôn, tổ dân phố thành 14 thôn, tổ dân phố mới; Thường Tín sáp nhập bốn thôn tổ dân phố thành hai thôn mới và thị xã Sơn Tây sáp nhập 45 thôn, tổ dân phố thành 20 thôn, tổ dân phố mới.

Phiên họp bất thường HĐND TP Hà Nội diễn ra sáng nay, 26-12.

Như vậy, số thôn, tổ dân phố thực hiện sáp nhập năm 2019 là 348 (263 thôn, 85 tổ dân phố). Số thôn, tổ dân phố thành lập mới sau khi sáp nhập là 159 (123 thôn, 36 tổ dân phố). Số thôn, tổ dân phố đổi tên là 53.

Sau khi thực hiện sáp nhập, toàn thành phố sẽ giảm 140 thôn, 49 tổ dân phố.

HĐND Hà Nội cũng thống nhất với đề án của UBND về kiện toàn, sắp xếp, sáp nhập, thành lập mới các thôn, tổ dân phố tại các quận, huyện còn lại trong năm 2020 đảm bảo đúng quy trình, thời gian theo quy định của pháp luật.

Theo Thông tư 14, Bộ Nội vụ ban hành cuối năm 2018, quy mô số hộ gia đình để một thôn ở Đồng bằng sông Hồng là 300 hộ trở lên; tổ dân phố thuộc Hà Nội là 450 hộ trở lên. Những thôn, tổ dân phố hiện nay có số hộ gia đình dưới 50% quy định trên thì phải sáp nhập với thôn, tổ dân phố liền kề. Qua đó giảm chi ngân sách cho cán bộ không chuyên trách ở cơ sở.

Thông tư này cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm