“TP.HCM phải đi trước cả nước trong các mô hình phát triển. Cho phép TP.HCM tiếp tục thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh, luật chưa quy định nhưng đặt ra trong thực tế cuộc sống”.
Chiều 27-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như trên trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng sáu tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2016.
Kiến nghị tăng biên chế công an
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bảy vấn đề lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho TP phát huy vai trò đầu tàu, phát triển nhanh, bền vững và đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước. Trong các vấn đề lớn này, đáng chú ý là kiến nghị những giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn TP.
Đơn cử như TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhất là đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định nhằm hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.
TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép lực lượng Công an TP.HCM được áp dụng cơ chế đặc thù về tăng cường biên chế, đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và các chế độ chính sách của cán bộ, chiến sĩ ngang tầm với quy mô địa bàn trọng điểm và đặc điểm phức tạp của TP; thí điểm bố trí công an chính quy tại các xã có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TP.HCM cần hướng đến một nền kinh tế thị trường hài hòa, bền vững. Ảnh: LT
Xây dựng môi trường an lành, xã hội an toàn
Trước kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Bộ Tư pháp cùng với Bộ LĐ-TB&XH đã trình dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định liên quan đến các biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Các quy định được rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hướng rút ngắn thời hạn, đơn giản hóa thủ tục lập hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi đến mức tối đa đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.
Còn đối với kiến nghị áp dụng cơ chế đặc thù về tăng cường biên chế, đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật…, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết trong thời gian tới Bộ Công an sẽ làm việc với TP.HCM để giải quyết cụ thể.
Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá TP.HCM là địa bàn hết sức phức tạp, có nhiều loại tội phạm về kinh tế, xã hội, hình sự, ma túy… Tội phạm ở TP rất đa dạng, manh động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, hành vi phạm tội rất dã man. Đang có xu hướng các băng nhóm tội phạm từ các tỉnh miền Tây, miền Đông, thậm chí từ miền Bắc như ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định… tới TP.HCM hoạt động. “Chúng tôi xác định không phải phá bao nhiêu vụ án, bắt bao nhiêu đối tượng mà mục tiêu là xây dựng môi trường an lành, xã hội an toàn” - ông Lâm nói và mong muốn có sự ủng hộ của người dân, các cấp chính quyền cùng tham gia phòng, chống tội phạm.
“Khi xây nhà, điều đầu tiên người dân nghĩ đến thiết kế kiến trúc không phải để hưởng không khí trong lành mà làm sao chống trộm. Như thế rõ ràng là bất an” - Bộ trưởng Tô Lâm nhận định và cho rằng môi trường không yên ổn thì không thể phát triển được.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị TP.HCM quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang bị cho công an các quận, phường.
Đầu tàu phải chạy bằng năng lượng tốt nhất
Ngoài kiến nghị về đảm bảo an ninh trật tự, ông Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị với Thủ tướng nhiều vấn đề khác như chấp thuận cho TP.HCM giữ nguyên tỉ lệ phần trăm để lại cho ngân sách TP như hiện nay. Cụ thể là 23% kể từ năm 2017 và ổn định trong 10 năm để tạo điều kiện cho TP chủ động xây dựng kế hoạch tài chính trung và dài hạn.
Về phân cấp nguồn thu, ông Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị cấp lại cho TP.HCM một phần số thu các khoản thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu (dự kiến các mức 8%, 10%, 12% trong tổng thu) và thực hiện trong 10 năm. Bên cạnh đó, cho phép TP nghiên cứu cơ chế phụ thu thuế đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn TP phù hợp với tình hình thực tế. Nguồn thu này không phải điều tiết về trung ương và không đưa vào tính cân đối ngân sách vào đầu thời kỳ ổn định.
Về lĩnh vực phí và lệ phí, ông Phong kiến nghị cho phép TP.HCM được thí điểm quy định một số khoản thu, khoản chi, phí và lệ phí phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương như phí xăng dầu, phí môi trường, phí sử dụng bất động sản, chuyển nhượng bất động sản... Ông Phong cũng nêu một số kiến nghị khác liên quan đến thưởng vượt thu ngân sách; các dự án phát triển hạ tầng đô thị như phương án tháo dỡ nhà chung cư hư hỏng nặng, dự án chỉnh trang đô thị, cải thiện đời sống người dân ven kênh rạch, nút giao thông trọng điểm trên địa bàn...
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng giải quyết cơ chế chính sách cho TP.HCM chính là giải quyết cơ chế cho cả nước. Những kiến nghị của TP là căn cứ Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, cho phép TP.HCM thí điểm tất cả vấn đề luật chưa có, chưa quy định. “Sau 40 năm, TP luôn là đầu tàu. Đầu tàu không thể chạy bằng than đá, dầu hỏa mà phải chạy bằng năng lượng mới tốt nhất để kéo các toa tàu” - ông Thăng nói và đề nghị Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành giúp TP với tinh thần TP.HCM vì cả nước, cùng cả nước. Ông Đinh La Thăng cũng đề nghị Thủ tướng đẩy mạnh xã hội hóa về y tế.
Thủ tướng cơ bản đồng ý những kiến nghị của TP.HCM Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng mà TP.HCM đạt được trong sáu tháng đầu năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng ý với những kiến nghị của TP.HCM. Theo Thủ tướng, TP.HCM phải có tầm nhìn xa, có một nền kinh tế đổi mới, sáng tạo, là đầu tàu của cả nước. “TP.HCM là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông chứ không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường. TP phải là nơi năng động, hiện đại, phát huy được vai trò trung tâm nguồn nhân lực chất lượng cao, là điểm nhấn thu hút đầu tư” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói và cho rằng TP.HCM cần hướng đến một nền kinh tế thị trường hài hòa, bền vững. |