Tính đến 6 giờ 15 phút ngày 21-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 170.224 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19). Toàn thế giới ghi nhận 2.477.697 ca nhiễm.
Như vậy, so với tối 20-4, số ca tử vong tăng 4.193 ca, số ca nhiễm tăng 54.269 ca.
Nhân viên cứu trợ thuộc một tổ chức phi chính phủ của Tây Ban Nha nói chuyện với một cụ bà trước khi bắt đầu xét nghiệm COVID-19 tại nhà dưỡng lão ở Barcelona. Ảnh: AP
Ngoài ra, thế giới cũng ghi nhận 645.277 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi.
10 quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới gồm: Mỹ (42.458), Ý (24.114), Tây Ban Nha (20.852), Pháp (20.265), Anh (16.509), Bỉ (5.828), Iran (5.209), Trung Quốc (4.632), Đức (4.543), Hà Lan (3.751).
10 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới: Mỹ (791.625), Tây Ban Nha (200.210), Ý (181.228), Pháp (155.383), Đức (146.777), Anh (124.743), Thổ Nhĩ Kỳ (90.980), Iran (83.505), Trung Quốc (82.747), Nga (47.121).
Tây Ban Nha: “Số người chết giảm cho chúng tôi hy vọng”
Tây Ban Nha ngày 20-4 ghi nhận thêm 399 người chết vì COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng ca tử vong tại đây lên 20.852. Tây Ban Nha hiện có 200.210 bệnh nhân COVID-19.
Người dân đứng trên ban công tỏ lòng biết ơn các nhân viên y tế trong cuộc chiến chống COVID-19 ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: GETTY
Số ca tử vong mới này tăng 2%, mức tăng thấp hơn so với mức tăng trung bình hồi tuần trước.
“Những con số này cho chúng tôi hy vọng” - ông Fernando Simón, Giám đốc Trung tâm Điều phối về tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia Tây Ban Nha, nói.
Với 200.210 ca nhiễm COVID-19 tính đến nay, Tây Ban Nha là nước có số ca bệnh cao thứ hai thế giới.
Nội các Tây Ban Nha dự kiến thảo luận các quy định nới lỏng các biện pháp cho trẻ em và người cao tuổi trong ngày 21-4. Các biện pháp mới này dự kiến bắt đầu vào ngày 27-4.
Pháp có hơn 20.000 ca tử vong
Pháp ngày 20-4 thông báo nước này đã trở thành nước thứ tư trên thế giới có hơn 20.000 người chết do COVID-19 sau Mỹ, Ý và Tây Ban Nha.
Cụ thể, Pháp ngày 20-4 ghi nhận thêm 547 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người qua đời tại đây lên 20.265. Trong đó, 12.513 người là qua đời tại các bệnh viện và 7.752 người là qua đời tại các nhà dưỡng lão.
Các nhân viên y tế chuẩn bị đưa các bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ sân bay Orly ở Paris tới các bệnh viện khác ở Pháp. Ảnh: AFP
Pháp hiện có 155.383 người nhiễm COVID-19, xếp thứ tư thế giới.
Tuy vậy, ông Jerome Salomon - quan chức y tế hàng đầu của Pháp, cho hay số bệnh nhân cần chăm sóc tích cực đã giảm trong ngày thứ 12 liên tiếp, cho thấy lệnh phong tỏa toàn quốc được áp dụng hơn một tháng qua đang đem lại hiệu quả tích cực trong việc ngăn chặn COVID-19.
Ý: Chuẩn bị giai đoạn 2 ngăn COVID-19
Khi đường cong về các ca nhiễm mới bắt đầu phẳng ở Ý, chính quyền các khu vực và chính phủ Ý tăng cường các cuộc thảo luận về cái gọi là “giai đoạn 2”.
Giai đoạn 2 là giai đoạn tiếp theo trong các nỗ lực của Ý nhằm ngăn dịch COVID-19. Theo giai đoạn này, chính phủ sẽ dần dần mở cửa kinh tế theo khuyến nghị của ủy ban khoa học nước này.
Một nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm huyết thanh tại Bệnh viện Bellaria ở vùng Bologna của Ý. Ảnh: GETTY
Viện Y tế quốc gia Ý cho hay số ca nhiễm của nước này sẽ không giảm xuống mức 0 vào giữa tháng 5. Điều đó có nghĩa là việc lây nhiễm sẽ tiếp tục.
“Ngày 4-5 là ngày chúng ta phải xây dựng giai đoạn 2. Tôi hy vọng sẽ có một cuộc họp giữa các nhân vật chủ chốt càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, tôi muốn nói rõ một điểm: Trận chiến chưa thắng lợi” - Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza nói ngày 20-4.
Ông Speranza cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của câu hỏi: “Chúng ta sẽ mở cửa lại như thế nào” thay vì “Khi nào?”.
Trung Quốc phản đối lời kêu gọi của Úc mở cuộc điều tra quốc tế về cách ứng phó COVID-19
Ngoại trưởng Úc Marise Payne ngày 19-4 cho hay nước này cũng quan ngại về độ minh bạch của Trung Quốc và yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc và sự lây lan của virus Corona chủng mới ra toàn thế giới, theo hãng tin Reuters.
"Các vấn đề xung quanh virus Corona cần phải được xem xét một cách độc lập và điều quan trọng là chúng ta cần tiến hành điều này" - Ngoại trưởng Payne nói như vậy khi trả lời phỏng vấn đài ABC.
Khi được hỏi bà có nghĩ WHO quá “thiên vị” Trung Quốc hay không, bà Payne nói rằng Úc có chung những quan ngại với Mỹ.
Trước đó, Mỹ và một số đồng minh cáo buộc Trung Quốc không phản ứng đầy đủ với dịch COVID-19 trong vài tuần sau khi lần đầu phát hiện dịch bùng phát ở TP Vũ Hán của nước này hồi cuối năm 2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố cắt các khoản tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi cáo buộc tổ chức này quản lý kém cuộc khủng hoảng và che đậy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh trước khi dịch lan rộng ra thế giới. Ông Trump cáo buộc WHO thiên vị Trung Quốc.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng những cáo buộc trên chính là không coi trọng “những nỗ lực lớn lao và hy sinh của người dân Trung Quốc” trong cuộc chiến chống COVID-19.
“Bất kỳ câu hỏi nào về tính minh bạch của Trung Quốc trong việc ngăn chặn và kiểm soát tình hình đại dịch đều không phù hợp với thực tế” - ông Cảnh nói tại một buổi họp báo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần qua cảnh báo Trung Quốc có thể phải đối mặt hậu quả nếu nước này bị phát hiện có trách nhiệm về sự bùng phát đại dịch COVID-19.
WHO khẳng định không che giấu điều gì về đại dịch COVID-19
WHO ngày 20-4 khẳng định tổ chức này đã gióng hồi chuông cảnh báo về đại dịch COVID-19 ngay từ khi bắt đầu và không hề che giấu điều gì với Mỹ cũng như các nước thành viên về dịch bệnh này.
Các nhân viên y tế dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ BS Joaquin Diaz - trưởng Khoa phẫu thuật của Bệnh viện La Paz ở Madrid (Tây Ban Nha), đã qua đời vì COVID-19. Ảnh: AP
Tổng giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói rằng không có bí mật nào tại WHO sau khi bị Mỹ cáo buộc đã hạ thấp dịch COVID-19 khi nó mới bùng phát ở Trung Quốc.
Ông Tedros cho hay có khoảng 15 nhân viên thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ được biệt phái đến trụ sở của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng 1 nên không có gì che giấu với Mỹ.
“WHO cởi mở. Chúng tôi không che giấu bất cứ điều gì. Chúng tôi muốn tất cả quốc gia nhận được cùng một thông điệp ngay lập tức bởi vì điều đó giúp các nước chuẩn bị tốt và chuẩn bị nhanh chóng” - ông Tedros khẳng định.