Tính đến 19 giờ 15 phút ngày 14-4, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã mất 120.857 người vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong 1.938.840 ca nhiễm.
Như vậy so với sáng cùng ngày, số người chết tăng 1.297, số ca nhiễm tăng 16.645 ca.
Ngoài ra, toàn thế giới hiện có 459.146 người được chữa khỏi, tăng 15.317 người so với số liệu tối 13-4.
10 quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới gồm: Mỹ (23.644), Ý (20.465), Tây Ban Nha (18.056), Pháp (14.967), Anh (11.329), Iran (4.683), Bỉ (4.157), Trung Quốc (3.341), Đức (3.203), Hà Lan (2.945).
10 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới: Mỹ (587.173), Tây Ban Nha (172.541), Ý (159.516), Pháp (136.779), Đức (130.214), Anh (88.621), Trung Quốc (82.249), Iran (74.877), Thổ Nhĩ Kỳ (61.049), Bỉ (31.119).
Tây Ban Nha: Ca nhiễm trong ngày thấp nhất kể từ ngày 18-3
Ngày 13-4 Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết đã ghi nhận thêm 567 ca tử vong do COVID-19, có tăng so với 510 ca ngày trước đó. Tuy nhiên, tình hình nhiễm mới lại khả quan. Số ca nhiễm mới trong ngày 13-4 của nước này là 3.045 - mức thấp nhất kể từ ngày 18-3.
Người dân đeo khẩu trang trên tàu điện ngầm ở Barcelona, Tây Ban Nha trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS
Như vậy, Tây Ban Nha hiện có 172.541 bệnh nhân COVID-19, trong đó 18.056 người đã tử vong.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất đã được phép hoạt động trở lại từ ngày 13-4 sau khi chính phủ Tây Ban Nha nới lỏng một số biện pháp phong tỏa.
Không có báo cáo nào ghi nhận tình trạng xe buýt hay tàu lửa đông đúc. Cơ quan vận tải Barcelona cho biết lưu lượng hành khách tăng nhưng vẫn ít hơn so với ngày 24-3, ngày thứ Ba bình thường cuối cùng trước khi lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực, theo báo The Guardian.
Trong khi đó, Bộ Y tế nước này đã kiểm soát các phòng thí nghiệm và phòng khám tư nhân để đẩy nhanh quá trình xét nghiệm. Bộ Y tế đồng thời đưa ra các biện pháp tránh đẩy giá xét nghiệm lên cao.
Iran: Lần đầu tiên trong một tháng, số người chết vì COVID-19 dưới 100
Ngày 14-4 Bộ Y tế Iran cho biết trong vòng 24 giờ qua nước này mất thêm 98 người vì COVID-19. Đây là mức tăng ca tử vong theo ngày thấp nhất trong vòng một tháng qua. Quốc gia Trung Đông này hiện có 4.683 người chết vì dịch bệnh này.
Các nhân viên của một hãng dược làm việc trong một phòng thí nghiệm ở thủ đô Tehran, Iran. Ảnh: AP
Iran cũng xác nhận thêm 1.547 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 74.877.
Hiện có 48.129 bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn tại Iran.
Tuần trước, Tổng thống Hassan Rouhani thông báo nối lại các hoạt động kinh doanh có “rủi ro thấp”, trong bối cảnh xuất hiện các lo ngại về kinh tế sau khi nước này áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.
Đông Nam Á: Indonesia ghi nhận số người chết cao kỷ lục, Philippines vượt 5.000 ca nhiễm
Tại Indonesia, chiều 14-4 Bộ Y tế nước này ghi nhận số người chết tăng cao nhất trong ngày với 60 trường hợp, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 459 người.
Ngoài ra, Indonesia ghi nhận thêm 282 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 4.839. Đã có 426 người hồi phục tại nước này. Indonesia cũng đã tiến hành 33.600 xét nghiệm.
Con đường vắng vẻ ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chính thức tuyên bố đại dịch COVID-19 là thảm họa quốc gia. Trong sắc lệnh, Tổng thống Joko Widodo kêu gọi các thống đốc, lãnh đạo các địa phương cùng nỗ lực chung tay đối phó với sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trong khu vực cũng như tại Indonesia.
Tại Philippines, chiều 14-4 Bộ Y tế nước này thông báo có 291 ca nhiễm COVID-19 mới và 20 bệnh nhân COVID-19 đã tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và ca tử vong tại đây lên lần lượt là 5.223 và 335. Đã có thêm 53 bệnh nhân được chữa khỏi, nâng số người được chữa khỏi tại nước này lên 295.
Philippines hiện đã bỏ qua Malaysia trở thành quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất Đông Nam Á.
Tại Singapore, chiều 14-4 Giám đốc Dịch vụ Y tế của Bộ Y tế Singapore - ông Kenneth Mak, cho biết nước này ghi nhận 334 ca nhiễm COVID-19 mới, đưa tổng ca nhiễm tại đây lên 3.252.
Trong số các ca nhiễm mới, 189 ca có liên quan tới các cụm lây nhiễm đã được xác định, 23 ca liên quan tới các trường hợp địa phương và 122 ca chưa xác định được nguồn lây. Không có ca nhập khẩu nào. Trong 24 giờ qua, Singapore không có ca tử vong nào vì COVID-19 và số ca tử vong hiện nay dừng ở con số 9.
Tại Thái Lan, ông Taweesin Wisanuyothin - người phát ngôn của Trung tâm quản lý tình hình COVID-19 của chính phủ, cho biết trong ngày 14-4 nước này ghi nhận 34 ca nhiễm mới và thêm một người tử vong do COVID-19.
Kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 1, Thái Lan đến nay có tổng cộng 2.613 bệnh nhân COVID-19, trong đó 41 người đã tử vong. 1.405 bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện tại nước này.
WHO: Mức độ chết chóc của COVID-19 gấp 10 lần cúm lợn (H1N1)
Ngày 13-4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định mức độ chết chóc của COVID-19 cao gấp 10 lần so với cúm lợn - vốn trở thành đại dịch toàn cầu năm 2009, theo báo South China Morning Post.
"Chúng tôi biết rằng COVID-19 lây lan nhanh chóng và chúng tôi biết đại dịch này gây chết chóc hơn gấp 10 lần so với dịch cúm năm 2009” - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo qua mạng từ Geneva (Thụy Sĩ).
Ông Tedros cho biết WHO đang không ngừng tìm hiểu loại virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đang hoành hành trên phạm vi toàn cầu này. WHO nhấn mạnh cần phải có vaccine để chấm dứt hoàn toàn tình trạng lây nhiễm. Vaccine ngừa COVID-19 được cho sẽ có trong ít nhất từ 12 đến 18 tháng nữa.
Người dân đeo khẩu trang ở đảo Cheung Chau của Hong Hong. Ảnh: REUTERS
Theo số liệu của WHO, 18.500 người đã tử vong vì cúm lợn do virus H1N1 gây ra. Tuy nhiên, tạp chí y khoa The Lancet ước tính con số thực tế phải từ 151.700 đến 575.400 người. Con số của The Lancet bao gồm các ca tử vong tại châu Phi và Đông Nam Á mà không được WHO tính vào.
Cúm lợn được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 3-2009 ở Mexico và Mỹ. WHO tuyên bố cúm lợn là đại dịch vào tháng 6-2009. Đại dịch được xem chấm dứt vào tháng 8-2010. Khi đó WHO bị chỉ trích “phản ứng quá mức” vì chỉ tính dịch cúm mùa mỗi năm cũng đã khiến từ 250.000 đến 500.000 người tử vong trên toàn cầu.