Trong văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Chính phủ trình QH thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) tại kỳ họp sớm nhất.
“Trong khi chờ QH thông qua, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT ưu tiên tạm ứng vốn cho TP để tiếp tục triển khai dự án này và đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu trong năm 2018” - văn bản của UBND TP.HCM nêu.
Theo UBND TP, việc hoàn tất các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 là điều kiện tiên quyết để bố trí kế hoạch vốn trung hạn và các năm tiếp theo, giúp dự án hoàn thành vào cuối năm 2020 như dự kiến.
UBND TP.HCM kiến nghị trung ương ưu tiên tạm ứng vốn để tiếp tục triển khai dự án metro số 1. Ảnh: HTD
UBND TP cũng bày tỏ với người đứng đầu QH và Chính phủ việc dự án bị chậm trễ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nguyên nhân là do sử dụng không hiệu quả nguồn vốn tài trợ của Nhật Bản, ảnh hưởng đến khả năng tài trợ của nước này đối với các dự án ODA của Việt Nam trong tương lai.
“Việc chậm thanh toán cho các nhà thầu có thể dẫn đến việc giãn tiến độ thi công, thậm chí ngưng thi công trên công trường, nguy cơ xảy ra kiện tụng, tranh chấp là không thể tránh khỏi. Ngoài ra, vốn vay ODA sẽ không hiệu quả, lãng phí do vẫn phải trả phí cam kết và phí thu xếp cho các hiệp định vay trong khi không giải ngân được vốn vay” - lãnh đạo TP lo ngại.
Đối với tuyến metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương), UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng thống nhất trình QH chấp thuận việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành dự án (năm 2020 khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2026). Theo UBND TP.HCM, dự án đang trong quá trình đấu thầu, tuyển chọn nhà đầu tư, song song với quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời hạn hoàn thành. Nếu không điều chỉnh kịp thời việc đấu thầu, các gói đang thực hiện có nguy cơ bị hủy do không đảm bảo điều kiện ký hợp đồng với các nhà thầu xây dựng. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng của dự án đang triển khai cũng bị ảnh hưởng và không thể bàn giao cho các nhà thầu thi công.
Việc chậm điều chỉnh vốn và thời gian hoàn thành dự án được cho là cũng làm giảm uy tín của các nhà tài trợ do không thể giải ngân theo các hiệp định đã ký và đang được gia hạn, đồng thời TP.HCM sẽ phải tiếp tục trả phí cam kết thường niên đối với các khoản chưa giải ngân.