Kẹt xe thêm trầm trọng
Sở cho biết từ năm 2007, TP đã cấm xe tải có tải trọng bản thân (xác xe) dưới 2,5 tấn hoặc tổng tải trọng (gồm xác xe cộng với khối lượng chuyên chở) dưới năm tấn (gọi là xe tải nhẹ) chạy ở khu vực nội đô vào giờ cao điểm sáng, chiều (từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ). TP cũng quy định vành đai cơ bản hạn chế hai loại xe tải nặng và nhẹ lưu thông là quốc lộ 1 - xa lộ Hà Nội - xa lộ Đại Hàn - Nguyễn Văn Linh…
Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT, việc cấm xe tải có tải trọng như trên góp phần rất lớn giải quyết tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông ở TP, nhất là ở khu vực nội đô, trung tâm TP.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT, từ ngày 1-11 quy chuẩn mới về biển báo giao thông (QCVN 41:2016 thay cho QCVN 41:2012) được áp dụng. Theo đó, xe tải được định nghĩa là ô tô để chở hàng có khối lượng chuyên chở theo giấy đăng kiểm từ 1,5 tấn trở lên. Các loại xe tải có khối lượng chuyên chở dưới 1,5 tấn được xem như ô tô con.
Định nghĩa mới trên đây đã phủ định định nghĩa về xe tải của QCVN 41:2012 mà TP đã áp dụng lâu nay. Như vậy, nếu theo quy định mới, xe tải là ô tô có tổng tải trọng (gồm xác xe cộng với khối lượng hàng được chở) từ 1,5 tấn trở lên mới bị điều chỉnh bởi biển báo cấm ô tô tải.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông Sở GTVT, cho hay với quy định trên, các loại xe tải bị cấm như lâu nay “thoát” khỏi biển báo cấm xe tải. “Khi đó, hàng loạt xe sẽ ùn ùn kéo vào nội đô gây thêm ùn tắc, mất an toàn giao thông cho TP. Các cố gắng kéo giảm ùn tắc thời gian qua và chương trình kéo giảm ùn tắc đang thực hiện trong thời gian tới sẽ hoàn toàn phá sản” - ông Đường nói.
Trên các tuyến đường Trường Sơn, Võ Văn Kiệt, nhiều bảng cấm xe tải cắm theo quy chuẩn mới gây tranh cãi và bối rối cho cơ quan quản lý, kiểm soát giao thông. Ảnh: LĐ
Đề nghị giữ nguyên như cũ
Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-07V, định nghĩa mới đã loại trừ thành tố trọng lượng của xác xe mà chỉ lấy khối lượng hàng được chở của xe dưới 1,5 tấn để gọi đó là xe con là điều vô lý. “Ví dụ, một xe tải có xác xe nặng tới 2,4 tấn và chủ xe cho hạ tải để chở xuống còn 1,4 tấn (tải trọng chở thường tương ứng với xác xe là 2-2,4 tấn) thì không thể gọi đó là chiếc xe con được! Trong giấy tờ xuất xưởng và đăng kiểm lần đầu chiếc xe này được xác định là xe tải nhẹ, có tổng tải trọng gần 4,5 tấn” - ông Quang dẫn chứng.
Một cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) nhìn nhận những ngày qua do những rắc rối xung quanh biển báo “cấm ô tô tải” nên cán bộ, chiến sĩ ở các đội CSGT bị lúng túng, lấn cấn. PC67 ghi nhận ý kiến trao đổi của người dân, phản ánh của các đội và tham mưu đến các cấp liên quan để được hướng dẫn. Trong thời gian chờ đợi, từ nay đến ngày 1-12, các đội CSGT chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở các tài xế là chính chứ chưa xử phạt.
Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT, trong thời gian tới để kéo giảm ùn tắc thì TP vẫn phải tiếp tục áp dụng các quy định như lâu nay TP vẫn làm. Do đó, Sở GTVT đề xuất Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho cắm loại biển báo chuyên biệt, không áp dụng theo quy chuẩn mới về biển báo giao thông…
Có thể linh động giải quyết Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một cán bộ Vụ Pháp chế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết định nghĩa về xe tải coi như là xe con trong QCVN 41:2016 là nhằm áp dụng cho 63 tỉnh, thành với mục đích nhằm tăng khả năng lưu thông của các loại xe chở hàng hóa. Tuy nhiên, với các đô thị lớn đang phải đối diện với ùn tắc giao thông cao thì ngành GTVT, địa phương có thể có quy định về tải trọng chuyên chở (tương ứng với tổng tải trọng của xe, kích thước, diện tích chiếm mặt đường của xe) cụ thể của xe trên từng tuyến đường, khu vực. |