TP.HCM: Ngành cấp nước cần có kế hoạch đối phó với thiên tai

Theo Tiến sĩ Hubert Jenny, phụ trách các dự án hạ tầng đô thị trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, TP.HCM nằm trong nhóm 10 TP trên thế giới bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Theo chuyên gia này, hiện các điểm thu nước của TP có vẻ an toàn trước sự xâm mặn. Tuy nhiên, Sawaco cần thực hiện kế hoạch tiết kiệm nước và kế hoạch quản lý thiên tai để phòng chống tần suất xuất hiện ngày càng thường xuyên của các thảm họa thiên nhiên. Do đó, Sawaco cần có phương án để thực hiện mục đích tái cấp nước sau thiên tai.

Chuyên gia đến từ Công ty Manila Water (Philippines) cho biết nếu xảy ra thiên tai, chỉ 12 giờ sau, đơn vị này sẽ tái cấp nước sạch cho người sử dụng. “Việc cấp nước sạch sớm sau thiên tai góp phần kéo giảm bệnh tật do các ô nhiễm mà thiên tai gây ra. Do đó, Sawaco phải sớm có kế hoạch để đối phó với thiên tai sau khi xảy ra tại TP” - chuyên gia này nhận định.

Nhiều ý kiến đặt vấn đề về quản lý các hệ thống sông Đồng Nai và các lưu vực ở đồng bằng sông Cửu Long như thế nào để bảo đảm an toàn cho nguồn nước. Ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban Kinh tế và Ngân sách TP, kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo đồng bộ các địa phương trên cùng lưu vực phối hợp chặt chẽ để cùng bảo vệ nguồn nước cho lưu vực. Theo ông Hùng, muốn làm được điều này cần phải sớm có cơ chế cụ thể, rõ ràng. Một đại biểu cũng đề nghị phải có cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể để bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai và cả việc chống mặn xâm thực mới có hiệu quả.

Một vấn đề nữa được quan tâm là Sawaco cần tiết giảm lượng nước hao hụt trên hệ thống cấp nước, bởi điều này sẽ kéo giảm theo các chi phí vận hành. Ông Roland Liemberger, cố vấn cho Công ty Maynilat (Philippines, chuyên thực hiện chương trình quản lý nước thất thoát), cho rằng tình trạng thiếu nước đang trở nên phổ biến trên thế giới. Do đó, các ngành cấp nước cần bảo vệ tốt hơn nguồn tài nguyên nước. “Hằng năm, ngành cấp nước của các nước châu Á để thất thoát đến 21 tỉ m3 nước đã qua xử lý. Lượng nước này đủ để cung cấp cho 230 triệu người sử dụng. Việc để xảy ra thất thoát nước như vậy một phần do thiếu sự quản lý của nhà nước” - ông Roland Liemberger nhận xét.

VĂN THUẬT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm