Vì sao đê bao sông Sài Gòn hư hỏng triền miên?

Đã nhiều năm, tình trạng hư hỏng ở tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn (dài hơn 17 km, chạy qua địa bàn các quận Gò Vấp, 12, huyện Hóc Môn) tái diễn liên tục, nhất là vào mùa mưa. Trong khi đó việc bố trí nguồn vốn duy tu, sửa chữa hư hỏng cho công trình này hiện vẫn chưa biết lấy từ đâu...

Đường hư, cống ngăn triều cũng hỏng

Mặt đê bao sông Sài Gòn thường xuyên bị lún sụt, không đảm bảo độ cao theo thiết kế. Ảnh: KB.

Những ngày này, cứ sau mỗi trận mưa lớn, đi dọc tuyến đê đoạn qua địa bàn phường An Phú Đông và Thạnh Lộc (quận 12), chúng tôi thường xuyên phải xuống xe dắt bộ vì nhiều đoạn đường bị lún, lầy nghiêm trọng. Ở những đoạn gần các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, do xe tải thường xuyên ra vào nên tình trạng hư hỏng cứ tái diễn liên tục. Chỉ tính đoạn ngắn vài km, từ cầu Bình Phước đến Hà Huy Giáp, đã có đến bốn bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng với lượng xe cơ giới lên đến hàng chục chiếc, hoạt động liên tục suốt ngày đêm.

Không chỉ mặt đê hư hỏng, tình trạng mất thanh giằng, vách cống cũng xảy ra hàng loạt ở các cống ngăn triều dọc tuyến đê. Nước ngoài sông vẫn chảy vào nội đồng gây ngập úng, hư hại hoa màu của người dân. Tình trạng này kéo dài hơn năm năm qua nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Thiếu đơn vị duy tu, sửa chữa

Kết quả kiểm tra (do Sở NN&PTNT chủ trì) trước mùa mưa năm nay cũng ghi nhận hầu hết gói thầu trên địa bàn quận 12 đều xảy ra hư hỏng. Đơn cử tại gói thầu 1A, có 13 cống điều tiết đều bị gỉ sắt, hư hỏng ổ đỡ, hở tường chắn; nhiều đoạn bị lún, sạt lở. Phần lớn các cống ngăn triều bị nước tràn qua đỉnh cửa cống. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại gói thầu khác. Một trong những đoạn đê bị hư hỏng nặng nhất thuộc địa bàn phường An Phú Đông (quận 12).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn được tài trợ bởi Cơ quan phát triển Pháp (AFD) do Bộ NN&PTNT phê duyệt vào năm 2006 với tổng mức đầu tư gần 390 tỉ đồng, đến năm 2015 mức đầu tư được điều chỉnh lên 490 tỉ đồng. Chủ đầu tư dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn là Ban Quản lý dự án công trình xây dựng (trước đây thuộc Sở NN&PTNT, hiện trực thuộc Trung tâm Chống ngập TP.HCM). Công trình này được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2009 nhưng hiện vẫn chưa bàn giao chính thức cho đơn vị nào quản lý để duy tu, sửa chữa thường xuyên…

Hết hạn bảo hành

Ban Quản lý dự án công trình xây dựng cho biết nguyên nhân hư hỏng các cống ngăn triều dọc tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn là do những hộ dân thuê đất trồng rau dọc sông gây ra. Cụ thể, các hộ dân thuê đất trồng rau thường xuyên kê kích cửa để lấy nước nên dẫn đến hư hỏng hệ thống cống.

Về tình trạng hư hỏng mặt đê, Ban Quản lý dự án công trình xây dựng cho biết hiện nay dọc tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn có đến 14 bến bãi kinh doanh. Do các phương tiện vận chuyển vật liệu ra vào thường xuyên nên tình trạng hư hỏng, lún sụt cũng xảy ra liên tục.

Theo Ban Quản lý dự án công trình xây dựng, trước đây, hằng năm các nhà thầu thường xuyên duy tu, sửa chữa, khắc phục các đoạn đê xung yếu bị sự cố. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, do đã hết hạn bảo hành nên các nhà thầu không thực hiện công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên. Cũng vì lý do này nên hiện nay mặt đê không được đắp đất đạt cao trình +2,2 m như thiết kế.

Trước tình trạng hư hỏng liên tục trên tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn, Trung tâm Chống ngập đã đề xuất UBND TP cho sử dụng nguồn kinh phí duy tu hệ thống thoát nước hằng năm để sửa chữa nhưng chưa được chấp thuận. Sở NN&PTNT, một trong những đơn vị được lấy ý kiến góp ý về vấn đề này, cho rằng việc lấy kinh phí duy tu hệ thống thoát nước để phục vụ công tác khắc phục hư hỏng đê bao sông Sài Gòn là không phù hợp. Sở Tài chính TP đề nghị Trung tâm Chống ngập cần phải báo cáo rõ về trách nhiệm trong việc nghiệm thu, bàn giao công trình, vấn đề về thanh quyết toán… để các sở, ngành liên quan có cơ sở báo cáo cho UBND TP xem xét, giải quyết.

 

Phải nâng mặt đê lên 2,2 m

UBND TP.HCM vừa yêu cầu Trung tâm Chống ngập phải khẩn trương khắc phục tình trạng hư hỏng ở công trình đê bao bờ hữu sông Sài Gòn, đảm bảo mặt đê phải đạt cao trình +2,2 m. Nếu để xảy ra sự cố tràn bờ, gây ngập… Trung tâm Chống ngập phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.

Về kinh phí duy tu, sửa chữa hư hỏng, UBND TP giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Trung tâm Chống ngập… thống nhất phương án, trình UBND TP trước ngày 20-9.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm