VKS Tối cao lý giải việc rút hồ sơ nhưng tòa không giao

Chiều 6-11, chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao, ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đặt câu hỏi vì sao việc thụ lý đơn đề nghị kháng nghị tái thẩm, giám đốc thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND đạt tỉ lệ thấp, gây bức xúc cho công dân.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí

Trả lời câu hỏi trên, Viện trưởng Lê Minh Trí nói xét xử có hai cấp (sơ thẩm và phúc thẩm – PV), để xem xét kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm một bản án thì phải có những điều kiện nhất định.

Trong thực tế, sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực được tuyên, nhiều người dân thấy quyền lợi của mình không đạt được nên vẫn đề nghị xem xét lại.

Đối với đơn của ĐBQH, cơ quan Đảng, Quốc hội chuyển đến, Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng hầu hết là các vụ việc đã được xem xét, giải quyết nhưng còn kéo dài. Khi các cơ quan này gửi về, phía Viện vẫn thụ lý, rà soát lại; do đó về nguyên tắc khách quan, vụ việc đã từng xem xét nhiều lần rồi thì yêu cầu giải quyết 100% là khó khả thi.

Đáng chú ý, ông Trí cho biết trong số hơn 44% tổng số vụ việc đã giải quyết thì có hơn 74% số vụ việc có hồ sơ, đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. “Còn những hồ sơ mà đề nghị rút (từ tòa án – PV) nhiều lần nhưng không được thì phải chấp nhận và đã báo cáo nhiều lần” – Viện trưởng VKSND Tối cao nói.

Sau phần trả lời của ông Trí, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng việc viện dẫn lý do không rút được hồ sơ nên không giải quyết được cho thấy VKS chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình. Nếu đây là lý do cản trở thì hết sức đáng suy nghĩ.

Ông Hồng cũng đề nghị Chánh án TAND tối cao cho biết vì sao việc rút hồ sơ của VKS lại gặp khó khăn.

Tiếp tục đối đáp, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết nhiệm kỳ trước, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao thống nhất ký thông tư liên tịch, trong đó quy định nếu tòa hoặc viện thụ lý (xem xét đề nghị kháng nghị - PV) thì ưu tiên cho tòa.

“Hồ sơ nằm ở tại tòa chứ không phải tại VKSND Tối cao, không phải rút ở chỗ khác mà rút ở tòa. Thông tư đã nêu rõ ưu tiên cho tòa, tòa không cho rút thì làm sao chúng tôi rút được. Cứ đánh giá ngành kiểm sát chưa hết trách nhiệm là không nên” – ông Trí nói, đồng thời nhấn mạnh “chúng tôi xem xét kháng nghị bản án của tòa mà tòa lại không giao hồ sơ, giữ đó thì làm sao làm được”.

Cũng theo Viện trưởng VKSND Tối cao, năm 2020, dù có rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19 gây ra nhưng ngành kiểm sát đã cố gắng hết sức. Đến thời điểm hiện tại, vụ việc nào mà hồ sơ rút được đều đã được giải quyết, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, còn những vụ hồ sơ không rút được thì không thể thụ lý…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm