Vụ chìm xe khách trên sông Lam: Bị cáo thành khẩn nên chỉ bị 7 năm tù

Sáng 2-6, TAND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) mở phiên tòa xử sơ thẩm vụ xe khách chở 38 người bị lũ cuốn trôi chìm xuống sông Lam (đoạn qua xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân) vào ngày 18-10-2010 làm 19 người chết và một mất tích.

Tòa đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Trường - người điều khiển xe khách đi trong nước lũ bảy năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tòa tuyên hình phạt bổ sung, cấm bị cáo hành nghề lái xe năm năm sau thời gian chấp hành án phạt tù.

Chuyến xe định mệnh

Tham dự phiên tòa chỉ có bốn đại diện của người bị hại trong đó có hai người may mắn thoát chết trên chuyến xe định mệnh. Tại tòa, họ luôn đưa tay gạt nước mắt còn bị cáo Trường luôn cúi mặt xuống đất... Bị cáo Trường và phía người bị hại đều không mời luật sư.

Theo hồ sơ, chiều 17-10-2010, Trường lái chiếc xe khách trên đi từ bến xe huyện Cư Jút (Đăk Nông) đến Nam Định. Đến địa phận huyện Cẩm Xuyên thì gặp mưa lụt, đường bị tắc nhưng Trường vẫn cho xe lao đi. Do nước ngập sâu, chìm cả cọc tiêu, Trường không xác định được hướng đi nên lái xe chệch khỏi mặt đường. Chiếc xe nghiêng dần rồi bị nước cuốn trôi ra sông Lam. Bấm công tắc mở cửa xe nhưng do bị lực nước ép từ bên ngoài không mở cửa được, Trường dùng tuốc-nơ vít đập kính ô cửa sổ sau ghế lái rồi cùng một số người chui ra ngoài. Trường bơi đến bám vào cột điện cao thế và được cứu sống. Tuy nhiên, có 20 người khách trên xe đã không may mắn. Hậu quả là 19 người chết được tìm thấy xác, một người mất tích… Chiếc xe bị hư hỏng nặng, thiệt hại hơn 582 triệu đồng.

Vụ chìm xe khách trên sông Lam: Bị cáo thành khẩn nên chỉ bị 7 năm tù ảnh 1

Bị cáo Trường tại phiên tòa. Ảnh: ĐL

Vụ chìm xe khách trên sông Lam: Bị cáo thành khẩn nên chỉ bị 7 năm tù ảnh 2

Đại diện những người bị hại. Ảnh: ĐL

Tại tòa, bị cáo Trường thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu. HĐXX nhận định bị cáo Trường thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình thuộc diện khó khăn, bố mẹ có công với cách mạng. Tai nạn xảy ra cũng do điều kiện thời tiết mưa, lũ lớn, nhiều hành khách nôn nóng muốn xe vượt lũ trở về sớm dẫn đến việc Trường bị sức ép phải cố đi trong nước lũ. Sau tai nạn, bị cáo đã tác động gia đình và chủ phương tiện kịp thời bồi thường cho người bị hại. Do vậy, tòa xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt, tuyên bị cáo phải chịu bảy năm tù...

Bỏ sót người liên quan?

Về phần trách nhiệm dân sự, tòa đã không đề cập vì phía nạn nhân không yêu cầu. Nguyên do sau tai nạn, Trường đã nhờ chủ phương tiện và gia đình khắc phục hậu quả, tự thỏa thuận với các gia đình nạn nhân về việc bồi thường. Theo đó, số tiền bồi thường cho mỗi người chết, mất tích là 50 triệu đồng. Đối với những hành khách trên xe được cứu sống, do tài sản bị mất mát, hư hỏng giá trị không lớn nên các hành khách cũng không yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tất cả khoản chi phí khác khắc phục hậu quả, chủ phương tiện và lái xe cũng tự thỏa thuận giải quyết với nhau, không yêu cầu cơ quan pháp luật xem xét.

Duy tại tòa, đại diện phía người bị hại cũng cho rằng hậu quả để lại sau vụ tai nạn cho các gia đình người bị hại là rất lớn, nhà xe đã thỏa thuận đền bù tiền với các gia đình. Tuy nhiên, sau này nhà xe có làm ăn khấm khá lên thì phải nhớ giúp đỡ con của các nạn nhân đã mất.

Một vấn đề khác cũng được nhiều người quan tâm là trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan chức năng liên quan đã không được đặt ra trong phiên tòa. Trong phần thẩm vấn và tranh luận tại phiên tòa, ông Nguyễn Thanh Thắng - nạn nhân thoát chết cho rằng: “Khi xe bắt đầu đi vào TP Hà Tĩnh thì có lực lượng chức năng hướng dẫn xe đi vào đường tránh TP Hà Tĩnh tránh ngập. Sau đó có gặp lực lượng cảnh sát bên đường nhưng không thấy chốt chặn xe lại. Xe trôi trên sông Lam chừng gần 30 phút và tất cả nạn nhân cùng đồng thanh hô to cứu nhưng không có cứu nạn kịp thời”.

Một số ý kiến của phía bị hại cũng cho rằng anh Phạm Thanh Thủy là lái chính chứ không phải lái phụ như cáo trạng đã nêu. Đại diện VKS cho rằng tại thời điểm xảy ra tai nạn Trường cầm lái nên đã truy tố đúng người, đúng tội.

Khi tòa nghị án, đại diện VKS cho biết hồ sơ điều tra vụ án không nhắc đến trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị liên quan. Nếu như các cá nhân tham dự phiên tòa có bằng chứng, chứng cứ về vấn đề lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, ban quản lý giao thông đường bộ… bỏ chốt thì VKS sẽ đề xuất lên cấp trên để xem xét lại...

Cha đọc lời xin lỗi thay con

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Trần Đại Nghĩa - bố bị cáo Trường đứng lên cầm giấy đọc lời xin lỗi. “Nhân buổi hôm nay, tôi xin thay mặt con trai tôi thông qua quý tòa và các nhà báo, nhà đài chuyển tới các nạn nhân và thân nhân, cùng toàn thể các gia đình nạn nhân lời xin lỗi muộn màng và lời chia buồn sâu sắc. Không có gì đau khổ hơn sự mất mát mà các gia đình đã gặp phải. Tôi vô cùng cảm kích trước những tấm lòng vị tha, những lời động viên ân tình của thân nhân và gia đình nạn nhân. Tôi xin phép được gửi lời cảm ơn tới đến chính quyền và nhân dân địa phương, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã giúp đỡ nhà xe trong suốt quá trình chiếc xe bị nạn. Đặc biệt lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã không quản ngại khó khăn, vật lộn với mưa lũ để tìm kiếm các nạn nhân cùng phương tiện bị nạn. Tôi nguyện cùng con trai sẵn sàng chịu mọi hình phạt và hứa sẽ động viên con cải tạo thật tốt để sớm mãn hạn tù tội và trả nghĩa những người đã chết...”.

Bị cáo Trường cũng bảo sẽ cố gắng cải tạo thật tốt. Sau khi ra tù, việc đầu tiên bị cáo sẽ đến các gia đình bị hại để thắp hương cho nạn nhân đã mất và xin lỗi.

_______________________________________________

Anh Đỗ Văn Toàn - người bị hại thoát chết cho rằng: “Hầu hết gia đình người bị hại khó khăn nên đã không đến dự phiên tòa được. Tôi thấy một phiên tòa xử như thế này đơn giản quá”.

Ông Trần Đại Nghĩa, bố của bị cáo Trường: “Chúng tôi sẽ không kháng cáo lên cấp phúc thẩm”.

Ông Hoàng Văn Sơn (đại diện phía nhà xe) cho biết: “Tôi không nhận được giấy mời của tòa án nhưng thấy gia đình người bị hại gọi điện thoại nên biết để đến dự phiên tòa. Sau tai nạn, chúng tôi nhắc nhở và quán triệt lái xe khi có lũ lụt ngập đường là phải cho xe ngừng chờ nước rút để chạy cho an toàn”.

Bị cáo Trần Văn Trường nói: “Tôi luôn nghĩ đến các nạn nhân bị hại đã bị thiệt mạng. Hành khách trên xe thiệt mạng quá nhiều. Thật sự tôi rất ám ảnh, ân hận, dằn vặt trong lòng. Tôi không bao giờ làm nghề lái xe nữa. Tôi muốn gửi lời xin lỗi, ăn năn hối cải tới các nạn nhân và gia đình nạn nhân. Tôi cũng muốn nhắn nhủ các tài xế đang hành nghề lái xe đừng liều lĩnh gây chết người như tôi”.

ĐẮC LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm