Chốt mức tăng lương năm 2020 là 240.000 đồng

1 giờ 30 chiều 11-7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhóm họp kín phiên thứ hai để bàn về tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 dưới sự chủ trì của ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

Căng thẳng đến phút chót

Bước vào phiên họp, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết lương tối thiểu vùng hiện mới đáp ứng được hơn 95% mức sống tối thiểu nên lần này đơn vị đưa ra ba phương án.

Cụ thể, phương án 1 tăng 8,18% (tương ứng 180.000-350.000 đồng). Phương án 2 tăng 7,06% (tương ứng 160.000-330.000 đồng). Phương án 3 tăng 6,53% (tương ứng 120.000-320.000 đồng).

Ông Lê Đình Quảng khẳng định đề xuất trên dựa vào số liệu thực tế về tình hình phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, như GDP tăng khoảng 7%, CPI khoảng 4%, năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%. “Đây là những chỉ số vĩ mô có ảnh hưởng tích cực tới việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2020. Bên cạnh đó, tình hình xuất khẩu với tỉ lệ đơn hàng ngày càng tăng, đặc biệt ở các ngành sử dụng đông lao động. Điều này cho thấy khả năng chi trả của doanh nghiệp (DN) sẽ ổn định” - ông Lê Đình Quảng nói.

Ngược lại, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng dù Chính phủ quy định lương tối thiểu năm 2019 tăng 5,3% so với năm 2018 nhưng nhiều DN đã trả mức lương tối thiểu trên 6%. Vì vậy, trong năm 2020 mức lương không thể tăng cao như đề xuất của phía công đoàn.

Theo đó, ông Hoàng Quang Phòng khẳng định đại diện giới chủ sử dụng lao động tiếp tục bảo lưu quan điểm tăng mức 2%. Nguyên nhân, vượt quá năng lực chi trả của DN, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh và các khoản chi phí khác…

Quá trình thảo luận, đại diện người lao động (NLĐ) đưa ra mức tăng lương tối thiểu là 6,7%, còn người sử dụng lao động đồng ý tăng lên 4%. Như vậy, mức chênh lệch còn lớn nên hai bên phải hội ý và đi đến thống nhất bỏ phiếu kín mức tăng lương năm 2020.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời báo chí sau phiên họp chiều 11-7. Ảnh: VIẾT LONG

Mức lương đã đáp ứng được mức sống tối thiểu

Bước ra từ phòng bỏ phiếu sau gần 4 tiếng, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết có trên 85% thành viên đồng ý và chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 5,5%. Với mức tăng 150.000-240.000 đồng (tùy từng vùng).

Theo ông Doãn Mậu Diệp, tính toán của bộ phận kỹ thuật cho thấy hiện nay lương tối thiểu đáp ứng 95% mức sống tối thiểu, chỉ còn thiếu khoảng 5% nữa là đạt yêu cầu theo Nghị quyết 27/2018 (năm 2020, mức lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ).

“5,5% là mức cao hơn mức độ thiếu hụt đề ra, đôi bên đều cảm thấy chấp nhận được. Thực ra vẫn còn một phiên nữa vì khoảng cách hai bên còn chênh lệch lớn, hơn nữa mỗi một lần họp cũng tốn kém. Vì vậy, chúng tôi kết thúc vòng đàm phán lương sớm hơn dự kiến” - ông Diệp giải thích.

Về phía đại diện NLĐ, ông Lê Đình Quảng tỏ ra rất vui vẻ và khẳng định mức tăng này đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ. Đây là điều hết sức phấn khởi với NLĐ.

“Trong nhiều năm qua, do điều kiện của nền kinh tế-xã hội, chưa bao giờ tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Năm nay là lần đầu tiên chúng ta đáp ứng được…” - ông Quảng chia sẻ.

Tăng lương tối thiểu quả thực áp lực cho DN nhưng đó là động lực cho NLĐ có điều kiện cống hiến vào sự phát triển của DN…

Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động,
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
 

Tuy nhiên, ông cũng cho biết đây chỉ là tiền lương để NLĐ thương lượng với chủ sử dụng lao động, còn lương của NLĐ vẫn rất thấp. Nên tới đây, đơn vị sẽ thương lượng với người sử dụng lao động để NLĐ nhận được mức lương tương xứng với công sức bỏ ra.

Trái ngược lại, ông Hoàng Quang Phòng cho biết chỉ cần tăng thêm 1% tiền lương tối thiểu, chi phí của DN tăng trên dưới 10%. Tuy nhiên, với tinh thần thiện chí để hài hòa lợi ích giữa các bên, VCCI đồng ý với mức tăng trên.

“Mong muốn của DN là tăng lương dưới mức đó. Tuy nhiên, hội đồng tiền lương hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Nên DN sẽ phải phấn đấu, đổi mới và có chính sách đào tạo nâng tao tay nghề của NLĐ, tạo ra sản phẩm có chất lượng. Chúng tôi cũng rất mong NLĐ chia sẻ với DN để đôi bên cùng phát triển” - ông Phòng nhấn mạnh.

Với quyết định trên, tới đây Hội đồng Tiền lương Quốc gia phải trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành nghị định tăng lương tối thiểu vùng.

Mức tăng 5,5% là hợp lý

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nhận định mức lương tối thiểu vùng năm 2020 mức tăng khoảng 5,5% là hợp lý. NLĐ mong muốn hưởng mức lương cao hơn nhưng người sử dụng lao động có cái khó vì chưa biết được Quốc hội có đồng ý cho tăng số giờ làm thêm không, trong khi năng suất lao động không tăng, sức cạnh tranh lớn.

“Nếu tăng cao chi phí đầu vào, trong đó có lương cho NLĐ, mức đóng bảo hiểm xã hội… cũng tăng. Trong khi giá thành đầu ra không thay đổi hoặc thay đổi rất ít nên chủ các DN nhỏ hoặc DN thâm dụng lao động lo lắng rất nhiều. Cho nên mức tăng lương vừa bảo đảm lương thực tế có cải thiện, vừa bảo đảm sức khỏe của DN, tương ứng với mức tăng năng suất lao động và bảo đảm yêu cầu của nghị quyết trung ương” - ông Huân nêu quan điểm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm