Nghề đan thuyền thúng cho ngư trường Hoàng Sa

Làng Hà Bình, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam từ lâu đã nổi tiếng với nghề đan thuyền thúng. Trải qua bao thăng trầm, làn sóng hiện đại hóa nghề cá, nghề của làng vẫn đang được duy trì.

Tuy trong làng hiện chỉ còn khoảng hơn 10 hộ theo nghề nhưng vẫn luôn là cơ sở chính cung cấp thuyền thúng cho ngư dân trong xã để câu mực tại ngư trường Hoàng Sa.

Ông Phan Văn Đông hiện là thợ đan thuyền thúng lớn tuổi nhất làng Hà Bình. Ảnh: VÕ THỊNH

Đã 80 tuổi, ông Phan Văn Đông, một trong những lão làng ở Hà Bình, ngày ngày vẫn tất bật với từng ngọn tre, vành thúng… cho ra đời những chiếc thuyền thúng chất lượng, thẩm mỹ.

Tâm sự với chúng tôi, ông Đông cho hay thoạt nhìn ai cũng nghĩ nghề đan thuyền thúng nhẹ nhàng nhưng không phải vậy.

“Ngoài sự khéo tay, người thợ đan thuyền thúng còn phải chọn đúng tre gai, tre đực mới chất lượng và phải có sức khỏe mới làm được những công việc nặng nhọc như chẻ nan, vào khung thuyền…” - ông Đông nói.

"Còn sức thì còn làm...". Ảnh: VÕ THỊNH

Ở tuổi xưa nay hiếm, đáng ra phải vui vầy với con cháu, ông Đông vẫn khảng khái “còn sức thì còn làm” với ánh mắt đôi lúc lại hướng ra phía biển xa.

Theo các thợ đan thuyền thúng, để hoàn thiện một chiếc thuyền thúng mất khá nhiều thời gian. Thợ lành nghề cũng phải 4-5 ngày mới hoàn thành được một chiếc thuyền thúng cỡ trung.

Với thuyền thúng cỡ lớn, đường kính vành trên 2 m phải mất 8-10 ngày công.

Một chiếc thuyền thúng khi hoàn thiện có giá trung bình từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng tùy thuộc vào kích cỡ. Trừ chi phí mua nguyên vật liệu, thu nhập mỗi chiếc thuyền thúng được hơn 1 triệu đồng.

Dẫu trên thị trường đang xuất hiện nhiều hơn những chiếc thuyền thúng bằng nhựa các loại nhưng thuyền thúng bằng tre của làng Hà Bình với ưu điểm bền, nhẹ, cơ động trên biển và giá thành lại rẻ hơn nên vẫn được nhiều ngư dân ưa chuộng.

Hình ảnh đan thuyền thúng cho ngư trường Hoàng Sa:

Tre được tách thành từng nan nhỏ. Nguyên liệu tre được các thợ lành nghề tự tay chọn bằng nguồn có ngay trong làng Hà Bình. Ảnh: VÕ THỊNH

Khâu vót nan rất quan trọng. Ngoài tay nghề, người thợ cần phải có kinh nghiệm để nan vót phải đều, thẳng, mềm ở ngoài và cứng dần vào bên trong cho dễ đan. Ảnh: VÕ THỊNH

Ông Đông kiểm tra lại các nan tre lần cuối trước khi đan. Ảnh: VÕ THỊNH

Các nan tre...

... được đan thành mảnh lớn trước khi tạo hình thuyền thúng. Ảnh: VÕ THỊNH

Tạo vành thúng. Ảnh: VÕ THỊNH

Các mảnh nan tre sau khi đan được ráp vào vành để tạo dáng thuyền. Ảnh: VÕ THỊNH

Những chiếc thuyền thúng dần thành hình, tới công đoạn ráp sườn. Ảnh: VÕ THỊNH

Để chống thấm nước, thuyền thúng được quét một lớp phân bò rồi đem phơi nắng 2-3 ngày cho khô. Ảnh: VÕ THỊNH

Khi lớp phân bò đã khô, người thợ quét thêm lớp dầu rái (nấu từ nhựa đường, xốp...), hoàn thiện công đoạn chống thấm. Ảnh: TẤN VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm