Xác chết 44 năm không hủy dưới góc nhìn y học

Gần đây, một số tờ báo có thông tin về xác ông Đinh Hữu Hạo chết cách nay 44 năm, không hề được tẩm ướp bằng bất cứ một loại hóa chất nào nhưng vẫn nguyên vẹn. Hiện xác được bảo quản cùng người thân trong ngôi nhà cổ ở An Giang.

Bẻ ngón tay người chết vẫn kêu

Chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Hữu Trí (56 tuổi, em ông Hạo) tại ấp Phú Lộc, xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, An Giang. Ông Trí kể ngày đó, đang khỏe mạnh chợt ông Hạo ngã bệnh. “Cha tôi chở anh Hạo đi khắp nơi tìm thầy cả Đông và Tây y chạy chữa nhưng ở đâu cũng không đoán được bệnh. Hai mắt anh tối mù, rồi chẳng ăn uống được gì suốt tám năm trời đến ngày xuôi tay nhắm mắt (năm 1968)” - ông Trí nhớ lại.

“Năm đó tôi được 12 tuổi nên chỉ nhớ chút đỉnh. Ảnh mất, cha tôi khâm liệm đàng hoàng, đem ra sau nhà chôn. Sau ba ngày chôn cất cha tôi nằm mơ thấy ảnh nên quật mồ. Cuộc quật mồ lúc đó có rất đông người chứng kiến. Khi dỡ hòm ra thì rờ vào thấy tay chân ảnh còn dịu nhỉu, cơ thể bình thường như người đang ngủ thiếp. Thấy vậy, cha tôi cho mang xác ảnh vào đặt trên chiếc ghế bố rồi mời người chữa trị. Cha tôi đưa tay bẻ thử mấy ngón tay của ảnh thì vẫn nghe tiếng kêu rắc rắc như người sống bẻ ngón tay kêu vậy” - ông Trí nói.

Xác chết 44 năm không hủy dưới góc nhìn y học ảnh 1

Bàn tay chỉ khô lại chứ không rụng đốt ngón tay. Ảnh: VĨNH SƠN

Xác chết 44 năm không hủy dưới góc nhìn y học ảnh 2

Cỗ quan tài đặt thi hài ông Hạo làm bằng cây, không có dấu vết ướp xác. Ảnh: VĨNH SƠN

Xác chết không thối rữa

Ngày đó, nhà ông Trí thuộc quận Phú Tân, tỉnh Châu Đốc. Nghe chuyện kỳ lạ, một đoàn bác sĩ người Mỹ đang công tác tại tỉnh lỵ Châu Đốc đã đến tìm hiểu. “Cho đến cận tết Nguyên đán năm 1968, tức bước sang ngày thứ 10 kể từ ngày anh Hạo được đem đi chôn, một bác sĩ trong đoàn lấy kim ra chích vào đầu ngón tay của xác chết thì thấy máu chảy rỉ ra. Một lúc lâu sau, họ lại lấy kim chích vào đầu ngón tay thì máu không chảy ra nữa. Thử đưa cánh tay anh Hạo ra chỗ sáng thì thấy chỗ thịt trong veo, còn mạch máu thì đen sẫm lại. Một bác sĩ nói anh tôi giống như người chết rũ, nghĩa là giống con thằn lằn, con cóc, khi chết thì da thịt khô lại mà không sình thối” - ông Trí kể.

Kể từ đó, gia đình ông Trí đưa thi hài ông Hạo vào cỗ quan tài nhỏ, đắp lên vài miếng vải rồi lắp tấm kính phía trên để liệm. Họ đưa áo quan cùng thi thể người chết lên một căn gác lửng trong ngôi nhà để thờ.

Lưu giữ như báu vật

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Ngọc Hở, Trưởng Công an xã Phú Thạnh, cho biết do còn nhỏ tuổi nên ông không trực tiếp chứng kiến mà cũng nghe cha mình kể lại như vậy. Chuyện lưu giữ thi hài của gia đình ông Trí bao nhiêu năm qua không gây ảnh hưởng gì xấu đến trật tự xã hội tại địa phương. Bây giờ, câu chuyện cũng đi dần vào quên lãng.

Không ồn ã lời ra tiếng vào như nhiều hiện tượng kỳ lạ khác, ngày chúng tôi đến nhà ông Trí chẳng có vị khách nào viếng thi hài ông Hạo. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nghe râm ran chuyện xác ông Hạo dù đã chết 44 năm nhưng tóc vẫn mọc, móng tay vẫn ra dài như người còn sống. Ông Trí trả lời dứt khoát: “Tôi khẳng định không hề có chuyện đó. Gia đình chúng tôi yêu quý anh Hạo và thấy xác ảnh chết đi mà không thối rữa, không có mùi hôi nên lưu giữ lại trong nhà để thờ chứ không có ý gì thêu dệt. Có lẽ ai đó muốn thổi phồng nên nói vậy”.

Chúng tôi hỏi ông có còn mong muốn các bác sĩ tiếp tục nghiên cứu để có lời giải thỏa đáng về cái chết và những gì kỳ lạ xảy ra với xác chết của anh ông không. Ông Trí nhoẻn miệng cười rồi chậm rãi đáp: “Có lẽ gia đình cũng không còn muốn có lời lý giải nữa. Bởi câu chuyện quá lâu nên người ta cũng lãng quên rồi. Tôi chỉ dặn con cái trong nhà, những kỷ vật gì của ảnh và thi hài đó phải được lưu giữ, truyền hết đời này đến đời khác trong dòng tộc. Xem đó như báu vật của dòng họ Đinh nhà mình”.

Đây có thể là hiện tượng hóa xác ướp

Tình trạng hóa xác ướp gồm hai hiện tượng là chết sớm và chết muộn.

Các dấu hiệu của chết sớm: Thứ nhất là phản ứng siêu sinh. Đây là phản ứng của các mô khi bị kích thích sau chết. Thí dụ, khi ta đụng vào tay vẫn còn co, con mèo đi qua xác bật dậy.

Thứ hai là hình thành vết hoen. Hoen tử thi là tình trạng lắng đọng máu tại vùng thấp của cơ thể, chẳng hạn khi nạn nhân nằm ngửa, máu sẽ đi đến vùng lưng, mông, đùi, bắp chân, gáy… Do đó, với trường hợp xác chết của ông Hạo, khi chích tay người chết sau một vài ngày thấy có máu chảy ra là hiện tượng bình thường và máu này sẽ không đông.

Thứ ba là dấu hiệu cứng tử thi và cuối cùng là nguội lạnh tử thi.

Các dấu hiệu của chết muộn: Giai đoạn thứ nhất là hiện tượng tự tiêu và phân hủy. Giai đoạn thứ hai là hóa xác khô (xác ướp) và hóa sáp. Hóa xác khô xảy ra do nhiệt độ môi trường cao, độ ẩm thấp và độ thoáng cao. Da người chết dai, màu hơi nâu, có hình ảnh và cứng giống da giấy. Da quanh móng tay, móng chân nhăn do bị khô làm người ta cho rằng móng tiếp tục mọc sau chết.

Hóa sáp xảy ra do nhiệt độ môi trường cao, độ ẩm cao và đặc biệt liên quan đến mô dưới da của mặt, đầu chi, mông và vú phụ nữ. Quá trình hóa học của hiện tượng này bao gồm sự tạo nước và hủy hydro của mô mỡ (giống đất sét và đặc giống nhựa).

Ở Việt Nam đã có hai trường hợp hóa xác ướp ở Chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội. Theo cá nhân tôi, rất có thể men hủy đạm không có nhiều trong cơ thể ở những người ăn chay. Người ăn thịt mỡ nhiều thì men càng nhiều, khi chết sự thối rữa nhanh hơn. Người ăn chay thì tại sao vi khuẩn không tấn công thì khoa học cũng không lý giải được.

BS PHAN VĂN HIẾU, Giám đốc Trung tâm Giám định
pháp y TP.HCM

Nếu muốn giữ lại nên đặt vào lồng kính

Trong tám năm bệnh tật, cơ thể ông Hạo chắc ở tình trạng da bọc xương, lượng nước trong cơ thể thấp hơn người bình thường.

Tử thi ông Hạo trong tình trạng xác ướp hóa. Sự bốc hơi nước của xác quá nhanh chóng trước quá trình thối rữa ở vùng không khí lạnh và khô ráo đã tạo nên sự kiện này.

Người nhà nên chôn cất hoặc hỏa táng. Nếu muốn giữ lại nên bỏ vào lồng kính hoặc ướp.

BS cao cấp CKII TRẦN MINH THÔNG, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh BV Chợ Rẫy

VĨNH SƠN - DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm