“Xén” tiền công ty

Nguyễn Thị Bé nguyên là phó giám đốc kiêm thủ quỹ chi nhánh 1 của Công ty Long Thuận tại Bình Dương. Trong 17 lần nộp tiền vào tài khoản công ty để thanh toán công nợ cho khách (tổng cộng 2,8 tỉ đồng), Bé đã rút bớt hơn 1,35 tỉ đồng bỏ túi.

Tranh cãi về tư cách tố tụng

Vụ việc bị phanh phui, Bé bị cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương khởi tố về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra cũng xác định Công ty Long Thuận là nguyên đơn dân sự.

Trong quá trình điều tra, luật sư của Công ty Long Thuận đã nhiều lần yêu cầu đưa giám đốc hoặc người được ủy quyền của công ty vào tham gia tố tụng với tư cách người bị hại. Theo luật sư, cơ quan điều tra xác định công ty là nguyên đơn dân sự là sai chủ thể, gây thiệt thòi đến quyền lợi hợp pháp của công ty.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng theo luật, người bị hại phải là cá nhân nhưng trong vụ án này, chủ thể bị chiếm đoạt tiền là công ty (pháp nhân) chứ không phải là thành viên của công ty (cá nhân). Do đó, cơ quan điều tra xác định tư cách nguyên đơn dân sự của công ty là đúng.

“Xén” tiền công ty ảnh 1

Quan điểm này cũng được VKS và TAND tỉnh Bình Dương đồng tình. Tháng 5-2011, TAND tỉnh Bình Dương đã xử sơ thẩm, phạt Bé 14 năm tù và buộc Bé phải bồi thường cho Công ty Long Thuận hơn 1,35 tỉ đồng. Sau đó, Công ty Long Thuận kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt với Bé, đồng thời đòi những người nhận tiền trả nợ của Bé phải nộp lại số tiền đã nhận để đảm bảo thi hành án.

Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo của Công ty Long Thuận và tuyên y án sơ thẩm. Theo tòa, công ty không phải người bị hại, chỉ là nguyên đơn dân sự nên không có quyền yêu cầu tăng hình phạt. Về việc đòi lại tiền của những người liên quan, tòa cho rằng không có chứng cứ chứng minh số tiền đó là tiền do bị cáo phạm tội mà có nên không thể thu hồi.

Luật đã rõ

Vụ án đặt ra một vấn đề pháp lý: Theo BLTTHS, khi bị chiếm đoạt tiền, đại diện của doanh nghiệp tham gia tố tụng với tư cách người bị hại hay nguyên đơn dân sự? Sự khác nhau giữa hai tư cách này ra sao?

Theo vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, BLTTHS đã quy định rất rõ là người bị hại chỉ có thể là cá nhân, còn cơ quan, tổ chức là nguyên đơn dân sự. Người bị hại trong một vụ án hình sự chỉ có thể là một con người cụ thể chứ không thể là một cơ quan, tổ chức, cho dù thiệt hại gây ra là thiệt hại trực tiếp cho cơ quan, tổ chức đó.

Sự khác nhau cơ bản giữa tư cách người bị hại với tư cách nguyên đơn dân sự trong tố tụng hình sự là người bị hại có quyền kháng cáo bản án, quyết định của tòa về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo, còn nguyên đơn dân sự chỉ được kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại. Mặt khác, người bị hại có nghĩa vụ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa nếu vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Nếu từ chối khai báo với các cơ quan tố tụng mà không có lý do chính đáng, người bị hại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 BLHS...

Nhưng có nên xem lại?

Đồng tình rằng trong vụ án trên, các cơ quan tố tụng đã làm đúng nhưng một số chuyên gia đề xuất nên xem xét sửa đổi, bổ sung BLTTHS theo hướng không chỉ cá nhân mà cơ quan, tổ chức bị thiệt hại trực tiếp cũng là người bị hại.

Theo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), BLTTHS hiểu khái niệm “người” theo nghĩa rất hẹp, chẳng hạn “người bị hại” chỉ có thể là cá nhân. Trong khi đó ở Luật Đất đai, khái niệm “người” được hiểu rộng hơn, chẳng hạn “người sử dụng đất” là bao hàm cả cá nhân lẫn cơ quan, tổ chức. BLTTHS hoàn toàn có thể hiểu theo nghĩa rộng này bởi về mặt hậu quả, pháp nhân cũng phải gánh chịu thiệt hại trực tiếp như cá nhân khi bị xâm hại.

Đồng tình, luật sư Trịnh Công Minh (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung thêm: Việc nguyên đơn dân sự chỉ được quyền kháng cáo bản án, quyết định liên quan đến phần tài sản bị chiếm đoạt là chưa hợp lý. Thực tế, thiệt hại của cơ quan, tổ chức trong các vụ xâm phạm sở hữu không chỉ là thiệt hại vật chất mà còn có thể gồm cả thiệt hại về tinh thần như thương hiệu, uy tín kinh doanh bị ảnh hưởng...

Xác định tùy loại hình doanh nghiệp

Tôi nghĩ áp dụng như sau sẽ hợp lý: Nếu là công ty TNHH một thành viên hoặc doanh nghiệp tư nhân thì cơ quan tố tụng xem xét đưa chủ sở hữu vào tham gia tố tụng với tư cách người bị hại. Tuy nhiên, đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc các loại hình doanh nghiệp nhiều thành viên… thì phải xác định doanh nghiệp là nguyên đơn dân sự. Bởi lẽ trong các trường hợp này, giám đốc hay chủ tịch hội đồng quản trị của doanh nghiệp chỉ đại diện cho các thành viên khác. Hành vi phạm tội xâm hại đến cả doanh nghiệp chứ không riêng gì cá nhân nào trong doanh nghiệp.

Kiểm sát viên TRẦN MINH SƠN, VKSND TP.HCM

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm