Hơn 10 năm, chưa giải quyết xong cái ranh đất

Bà Nguyễn Thị Kiết (88 tuổi, ngụ xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) hết khiếu nại rồi lại gửi đơn ra tòa thế nhưng đã hơn 10 năm, UBND huyện Củ Chi vẫn chưa xác định ranh đất cho bà. Việc chậm trễ này khiến bà không thể xây được tường rào và phải tốn kém rất nhiều chi phí đi lại.

Để người khác lấn đường

Theo hồ sơ, tháng 10-2005, bà Kiết làm hàng rào trong khuôn viên đất nhà mình, bị UBND xã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm đình chỉ xây dựng do có đơn của các hộ dân lân cận tố cáo bà Kiết lấn chiếm đất công. Bà không đồng ý nên khiếu nại đến huyện.

Sau nhiều lần khiếu nại không thành, bảy năm sau, tức tháng 3-2012, bà Kiết khởi kiện vụ án hành chính, yêu cầu chủ tịch huyện ra quyết định giải quyết khiếu nại và các cơ quan liên quan phải hủy biên bản vi phạm hành chính, hủy thông báo về việc đình chỉ thi công và xác định ranh phù hợp theo giấy chủ quyền đất mà bà đã được cấp. Đến tháng 9-2013, bà Kiết được tòa chấp thuận yêu cầu, tuyên án như trên.

Bản án đã có hiệu lực nhưng mãi hai năm sau, tháng 5-2015, chủ tịch UBND huyện Củ Chi mới ban hành quyết định công nhận ranh đất của bà Kiết (phần ranh đất tiếp giáp với con đường đất) theo tài liệu bản đồ 02/CT-UB.

Tuy nhiên, nếu cắm ranh đất cho hộ bà Kiết theo bản đồ trên thì con đường sẽ bị thu hẹp, ảnh hưởng tới việc đi lại của các hộ dân bên trong. Ủy ban huyện phát hiện đường bị hẹp là do hộ ông S. và bà H. lấn đường nên đã một số lần xuống vận động hai hộ dân trên trả lại hiện trạng con đường.

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kiết nay đã quá già yếu, phải cần người dìu đi, than: “Ngày xưa thấy con đường đất nhỏ nên tôi trồng cây cối xích vào để cho các hộ bên trong đi thoải mái. Giờ tôi khiếu nại để lấy lại đất của mình. Đã hơn 10 năm qua, tôi tốn kém biết bao nhiêu chi phí đi lại, yêu cầu ủy ban cắm ranh đất để tôi làm tường rào nhưng họ cứ tới rồi lại về. Giờ tôi hết cách rồi!”.

Hơn 10 năm theo đuổi khiếu kiện, đến nay bà Nguyễn Thị Kiết vẫn chưa được cắm ranh đất. Ảnh: N.NGA

Phải có phán quyết của tòa vì lỗi của huyện

Pháp Luật TP.HCM nhiều lần liên hệ tới UBND huyện Củ Chi nhưng mãi hơn một tháng sau chúng tôi mới nhận được email trả lời: Việc tổ chức thực hiện cắm ranh đất cho hộ bà Kiết, ủy ban sẽ phải thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hộ ông S. và bà H. để điều chỉnh phần diện tích đất lấn đường đi theo tài liệu bản đồ 02/CT-UB nhằm khôi phục lại con đường đi. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Nhà nước không thu hồi giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai nếu người được cấp giấy chứng nhận đã chuyển mục đích sử dụng đất. Và theo quy định tại khoản 6 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của tòa án... Vì vậy, UBND huyện không được phép thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà H. do bà H. đã thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở. “UBND huyện Củ Chi sẽ tổ chức vận động hộ bà H. đồng ý cho ủy ban thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để điều chỉnh trừ phần diện tích đất lấn đường đi theo tài liệu bản đồ 02/CT-UB. Chậm nhất trong tháng 6, chúng tôi sẽ tổ chức thực hiện thi hành xác định ranh cho hộ bà Kiết”.

Theo TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM), UBND huyện Củ Chi buộc phải cắm ranh đất cho bà Kiết, không được lấy lý do việc này sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của những hộ dân bên trong. Nếu cho rằng hai hộ ông S. và bà H. có lấn đường thì trách nhiệm giải quyết là của huyện.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Trong vụ việc này thì những người có quyền lợi liên quan đến việc sử dụng lối đi này (cụ thể là bà Kiết) có quyền khiếu nại, khởi kiện UBND huyện Củ Chi về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà S. không đúng với nguồn gốc đất. Sau khi có bản án hoặc quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật thì UBND huyện Củ Chi sẽ thực thi theo phán quyết của tòa nhằm khôi phục lại hiện trạng con đường. Người có hành vi vi phạm dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận trái pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Luật Đất đai 2013. “UBND huyện Củ Chi phải thực thi đúng phán quyết của tòa án cũng như quyết định trong văn bản giải quyết khiếu nại của mình đối với bà Kiết. Lỗi trong vụ việc này xuất phát từ UBND huyện Củ Chi nên không thể trì hoãn việc cắm mốc ranh” - luật sư Chánh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm