Sẽ bãi bỏ giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi 11 nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT. Dự thảo gồm năm chương, 13 điều.

Theo đó, dự thảo này đã đề nghị bãi bỏ hẳn năm điều (từ Điều 26 đến Điều 30), thuộc mục 2 của Nghị định 60/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm. Theo đó, các giấy phép về vận chuyển, đóng gói, bao bì, điều kiện về phương tiện, người áp tải hàng nguy hiểm, thuê vận chuyển hàng nguy hiểm… sẽ được bãi bỏ.

Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng cắt giảm, sửa đổi các điều kiện cấp giấy phép hành nghề, cấp giấy phép đầu tư kinh doanh khác trong lĩnh vực đất đai, quan trắc môi trường, quản lý chất thải phế liệu, tài nguyên nước, thăm dò khoáng sản, đo đạc bản đồ…

Cụ thể, Bộ TN&MT dự kiến có khoảng 46,64% điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT được cắt giảm, đơn giản hóa thuộc 18 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phụ lục IV Luật Đầu tư. Trong dự thảo nghị định, Bộ TN&MT kiến nghị sửa đổi 11 nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh.

Trong đó, Chương I gồm hai điều, sửa đổi, bãi bỏ một số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực đất đai tại hai nghị định. Chương II gồm năm điều, sửa đổi, bãi bỏ một số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực môi trường tại năm nghị định. Chương III gồm ba điều, sửa đổi, bãi bỏ một số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản tại ba nghị định. Chương IV gồm hai điều, sửa đổi, bãi bỏ một số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực đo đạc và bản đồ, khí tượng thủy văn tại hai nghị định.

Trước đó, trao đổi với báo chí vào đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định: “Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Bộ TN&MT trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định là: Bảo đảm việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh một cách thực chất, phù hợp với Luật Đầu tư năm 2014. Góp phần chuyển tư duy phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Bảo đảm tính khả thi, điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương xuống địa phương. Việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác thể chế và thủ tục hành chính mà Bộ đang tích cực tiến hành”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm