Tòa trả hồ sơ vì… ‘câu hỏi phụ’

TAND quận Bình Thạnh, TP.HCM vừa xử sơ thẩm đối với Đặng Ngọc Nam (21 tuổi, ngụ Bình Định) bị truy tố về tội trộm cắp tài sản. Tòa đã phải hoãn xử để trả hồ sơ điều tra bổ sung bởi một tình tiết khá hy hữu từ lời nói của bị cáo trong khi tòa đang nghị án. Cụ thể là sau khi phạm tội, Nam từng được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội hai tháng rồi được cho về nhà nhưng hồ sơ vụ án không thể hiện.

Theo hồ sơ, khoảng 14 giờ ngày 30-7-2016, Nam đến khu vực đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh để tìm thuê phòng trọ. Khi bị cáo đi ngang qua phòng của một dãy nhà trọ thì nhìn thấy chiếc điện thoại di động hiệu LG để trên tủ lạnh. Lúc này chị LTBT là người ở trong phòng trọ đang đứng nấu ăn quay lưng ra cửa. Nam lén lút vào phòng lấy điện thoại di động. Nhưng đi được 2 m thì bị chị T. phát hiện và tri hô, bị cáo vứt điện thoại vào sọt rác trước cửa phòng toan chạy thì bị bắt ngay tại chỗ.

Kết quả định giá trong tố tụng hình sự xác định tang vật là chiếc điện thoại di động có giá trị 2.400.000 đồng. Sau đó Nam bị khởi tố, truy tố về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS (có khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm). Theo cáo trạng, Nam bị tạm giam từ ngày 11-2.

Bị cáo Đặng Ngọc Nam tại phiên tòa. Ảnh: Y.CHÂU

Quá trình xét hỏi tại tòa, bị cáo tỏ ra ăn năn hối cải và thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng mô tả. Phần tranh luận, VKSND quận Bình Thạnh phân tích các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và đề nghị tòa tuyên phạt Nam 6-9 tháng tù giam. Sau đó tòa tuyên bố vào nghị án.

Trong thời gian chờ tòa nghị án, anh cảnh sát tư pháp hỏi bị cáo đã bị tạm giam bao lâu để tính xem nếu tòa tuyên sáu tháng tù thì có được trả tự do không. Sau một hồi tính toán, Nam đáp: “Em bị tạm giam hơn năm tháng vì có thời gian ở trong trung tâm bảo trợ xã hội”. Câu trả lời này khiến người hỏi và PV không khỏi thắc mắc, vì thế PV đã chuyển băn khoăn ấy đến thư ký phiên tòa. Thấy vậy thư ký liền chạy vào báo với HĐXX đang nghị án phía trong. Sau đó HĐXX cũng cho mời đại diện VKS vào phòng nghị án. Một lát sau HĐXX bước ra nhưng không tuyên án mà tuyên bố quay lại phần xét hỏi để làm rõ chi tiết trên.

Bị cáo khai: Tháng 7-2016, sau khi bị bắt quả tang thì có hơn hai tháng bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, sau đó được cho về quê ở Bình Định. Đến cuối tháng 1-2017, bị cáo được Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM gọi lên làm việc và bị tạm giam từ đầu tháng 2 đến nay. Tòa hỏi trung tâm nào, bị cáo đáp: “Trung tâm tại quận Bình Thạnh và tỉnh Bình Phước”.

Đại diện VKS không xét hỏi thêm gì. Nhưng từ những lời khai này, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung với lý do cơ quan điều tra đã không làm rõ những tình tiết nguyên nhân như lời khai của bị cáo vừa trình bày.

Vết trượt đáng tiếc

Phiên tòa không có một người thân nào của Nam, kể cả cha mẹ, họ hàng hay bạn bè tới dự. Khi kiểm sát viên công bố bản cáo trạng, Nam cúi mặt xuống, hai tay nắm chặt lấy nhau như tìm kiếm một chỗ dựa tinh thần. Dáng người cao, hơi gầy, nước da trắng, khuôn mặt khá sáng nhưng ánh mắt thì sợ hãi trước không gian yên tĩnh và rộng lớn của phòng xử án.

Hồ sơ thể hiện Nam đăng ký hộ khẩu tại xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Bình Định nhưng không có chỗ ở ổn định, cha đã chết và không có tiền án, tiền sự.

Khi HĐXX hỏi vì sao lại hành động dại dột, Nam đáp gia đình khó khăn, vào Sài Gòn kiếm việc làm nhưng không có tiền nên đành… làm liều. Nam kể người cha mất khi em mới sinh được vài ngày. Mẹ em bị câm điếc bẩm sinh và hiện đã lập gia đình khác. Nam sống với ông nội từ nhỏ. Khó khăn là vậy nhưng em từng học hết lớp 12 với học lực khá.

Chúng tôi hỏi về lý do phạm tội, giọng Nam nhỏ lại. Em kể rằng khổ cực từ nhỏ nên muốn rời quê vào TP để kiếm việc làm đặng có tiền phụ giúp ông nội. Nam bảo mới vô Sài Gòn được năm ngày thì bị bắt. Sau khi xin được việc làm tại một cơ sở mía đường thì em bắt đầu đi tìm thuê nhà trọ. “Hôm ấy khi nhìn thấy chiếc điện thoại của chị T. thì không hiểu sao lòng tham nổi lên, thế rồi em đã phải trả giá cho một phút nông nổi ấy”.

Nam cũng cho hay mẹ và ông nội có biết em phạm tội nhưng phần vì nhà xa, phần vì không có tiền nên không tới dự được. Nói rồi Nam lại cúi mặt, khóe mắt em cay cay…

YẾN CHÂU

Khi nào phải vào trung tâm bảo trợ xã hội?

Theo Điều 25 Nghị định 136/2013 của Chính phủ (quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội) thì đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội gồm:

1, Đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:

a) Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một số trường hợp và trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, không còn khả năng lao động, không có lương hưu hoặc trợ cấp mà thuộc diện khó khăn không tự lo được cuộc sống và không có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng;

b) Người cao tuổi theo quy định của pháp luật về người cao tuổi;

c) Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.

2. Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp:

a) Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động;

b) Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú;

c) Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của chủ tịch UBND cấp tỉnh.

3. Đối tượng tự nguyện sống tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội:

a) Người cao tuổi thực hiện theo hợp đồng ủy nhiệm chăm sóc;

b) Người không thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc cần bảo vệ khẩn cấp nhưng không có điều kiện sống tại gia đình, có nhu cầu vào sống tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm