Vợ chồng tâm thần ly hôn

Mới đây, TAND TP Thái Bình đã xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của anh LQD, cho anh D. ly hôn với chị TTH. Tòa cũng tuyên giao con chung cho chị H. nuôi dưỡng, anh D. có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 500.000 đồng.

Chồng rối loạn tâm thần

Trong đơn khởi kiện nộp cho tòa trước đó, anh D. trình bày: Anh và chị H. tự nguyện kết hôn và có đăng ký kết hôn vào đầu năm 2015. Sau khi kết hôn, vợ chồng chung sống hạnh phúc đến tháng 8-2016 thì phát sinh mâu thuẫn, vợ chồng thường xuyên cãi vã, chửi nhau, có xô xát. Nguyên nhân là do vợ chồng tính tình không hợp, bất đồng quan điểm trong cuộc sống, nhất là sau khi chị H. đi chữa bệnh tâm thần ở Hà Nội về hay nói là không thể sống với anh được nữa, dẫn đến mâu thuẫn ngày càng trầm trọng.

Đến tháng 11-2016, chị H. đã bỏ về nhà cha mẹ ruột sinh sống cho đến nay, vợ chồng cũng ly thân từ đó. Nay anh D. xác định tình cảm vợ chồng không còn, không thể đoàn tụ, cuộc sống hôn nhân không thể kéo dài nên yêu cầu ly hôn với chị H.

Theo anh D., hai vợ chồng có một con chung sinh năm 2016, hiện đang ở cùng với chị H. Anh D. đề nghị giao cháu bé cho chị H. nuôi dưỡng, anh không cấp dưỡng nuôi con vì anh là người tàn tật (rối loạn tâm thần - chậm phát triển nặng), mỗi tháng được hưởng trợ cấp đối với người tàn tật là 405.000 đồng nên không có khả năng kinh tế về cấp dưỡng cho con.

Làm việc với tòa, người đại diện theo pháp luật của anh D. là mẹ anh trình bày: Anh D. bị bệnh rối loạn tâm thần - chậm phát triển nặng bẩm sinh. Biểu hiện bệnh của anh là hay quên, thỉnh thoảng mất trí nhớ, thỉnh thoảng không minh mẫn như người bình thường nên anh không đi học, không biết chữ nhưng sống hiền lành, không la hét, không đập phá.

Mẹ của anh D. đề nghị tòa xử theo yêu cầu của anh D., đồng thời bà đề nghị không giám định pháp y tâm thần đối với anh D., không tuyên bố anh bị mất năng lực hành vi dân sự nhưng có đề nghị tòa cử trợ giúp viên pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh D.

Vợ cũng đang bệnh nặng

Trong khi đó, cha của chị H. trình bày: Hiện nay chị H. đang bị bệnh tâm thần phân liệt thể Paranoit - sa sút trí tuệ nặng, tỉ lệ tổn thương cơ thể là 65%, phải điều trị nên ông là người đại diện theo pháp luật của chị. Ông cũng xác định quan hệ vợ chồng giữa chị H. với anh D. có mâu thuẫn ngày càng trầm trọng như anh D. trình bày và đề nghị tòa xử cho anh D. ly hôn với chị H. Ông đề nghị giao cháu bé con chung của hai người cho chị H. nuôi dưỡng và phía gia đình anh D. phải có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật.

Tuy chị H. bị bệnh tâm thần nhưng cha của chị cũng không đề nghị giám định pháp y tâm thần đối với chị, không tuyên bố chị bị mất năng lực hành vi dân sự mà chỉ đề nghị tòa cử trợ giúp viên pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị H.

Tòa xác minh, được BV Tâm thần Thái Bình cung cấp tiền sử bệnh tâm thần của anh D. và chị H.

Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX nhận định mâu thuẫn giữa anh D. và chị H. ngày càng căng thẳng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt. Từ đó tòa chấp nhận cho anh D. ly hôn với chị H., giao con chung cho chị H. nuôi dưỡng, anh D. có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung mỗi tháng 500.000 đồng.

Người bị tâm thần có mất năng lực hành vi dân sự?

Điều 22 BLDS 2015 có quy định về người bị mất năng lực hành vi dân sự. Theo đó, khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Như vậy, để được xem người bị bệnh tâm thần có bị mất năng lực hành vi không thì cần căn cứ vào bốn điều kiện sau:

- Người bị bệnh tâm thần không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình.

- Có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan;

- Có cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần về việc người bị bệnh tâm thần không thể có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình;

- Có quyết định của tòa án về việc tuyên bố người bị bệnh tâm thần không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình.

Chỉ khi nào người bị bệnh tâm thần đáp ứng đầy đủ được cả bốn điều kiện trên thì người bị bệnh tâm thần mới được xem là người bị mất năng lực hành vi dân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm