Hơn 1.000 người khổ ải xuyên ngày đêm giành giật 13 sinh mạng

Đằng sau sự thành công của chiến dịch giải cứu lịch sử 13 thành viên đội bóng nhí Lợn rừng của Thái Lan là sự chiến đấu bền bỉ xuyên ngày đêm của hơn 1.000 con người.

Hơn 1.000 anh hùng đã làm việc xuyên ngày đêm giành giật mạng sống cho 13 thành viên đội bóng nhí. Ảnh: BANGKOK POST

Hơn 1.000 anh hùng đã làm việc xuyên ngày đêm giành giật mạng sống cho 13 thành viên đội bóng nhí. Ảnh: BANGKOK POST

Chỉ huy tuyệt vời Narongsak

Chỉ huy cứu hộ xuyên suốt từ những ngày đầu là ông Narongsak Osotthanakorn, 53 tuổi. Thời điểm bắt đầu cứu hộ ông Naraongsak vẫn là tỉnh trưởng tỉnh Chiang Rai, địa phương có hang động Tham Luang nơi các cậu bé bị mắc kẹt. Vài ngày sau, ông nhận quyết định điều chuyển về làm tỉnh trưởng tỉnh Phayao nhưng ông cho biết vẫn sẽ chỉ huy cứu hộ đến phút cuối mới tính đến chuyện nhận nhiệm sở mới.

Không thể phủ nhận sự quyết liệt của ông trong chỉ đạo và phối hợp các công việc cứu hộ, từ các nhân viên phụ trách vòng ngoài, các đặc nhiệm hải quân Thái (Thai Navy Seals) đến các chuyên gia lặn chuyên nghiệp từ nhiều nước.

Chỉ huy cứu hộ Narongsak Osotthanakorn trong một cuộc họp báo về chiến dịch cứu hộ. Ảnh: CNN

Chỉ huy cứu hộ Narongsak Osotthanakorn trong một cuộc họp báo về chiến dịch cứu hộ. Ảnh: CNN

Ngày từ ngày đầu mở màn chiến dịch cứu hộ ông Narongsak đã nói trước quan chức nào, nhân viên nào cảm thấy nản lòng vì công việc khó khăn, gian khổ thì cứ rút.

“Bất cứ ai cảm thấy không thể chịu đựng nổi có thể về nhà với gia đình. Quý vị có thể thoát ra và rơi đi ngay. Tôi sẽ không để bụng bất cứ ai. Với những ai muốn làm việc, quý vị phải luôn trong tư thế sẵn sàng bất cứ lúc nào. Chỉ cần nghĩ bọn trẻ như con mình” – ông Narongsak tuyên bố.

Suốt chiến dịch giải cứu, ông Nasongsak trở thành tâm điểm của truyền thông, và sự thành công của chiến dịch đã chứng minh khả năng lãnh đạo của ông.

“Ông ấy là sự lựa chọn đúng người đúng thời điểm. Ông Narongsak được các đồng nghiệp và thuộc cấp biết đến như là một “Ngài nguyên tắc” vì phong cách làm việc nghiêm khắc, cực kỳ kỹ lưỡng và không có hành động thừa của mình” – Bangkok Post dẫn lời một người trong lực lượng cứu hộ.

Chỉ huy cứu hộ Narongsak Osotthanakorn được biết là người có phong cách làm việc nghiêm túc và quyết liệt. Ảnh: CNN

Chỉ huy cứu hộ Narongsak Osotthanakorn được biết là người có phong cách làm việc nghiêm túc và quyết liệt. Ảnh: CNN

Trả lời phỏng vấn ABC News gần đây, Phó Đô đốc Robert Harward trong đặc nhiệm hải quân Mỹ (đã về hưu) khen ngợi khả năng lãnh đạo của ông Narongsak.

Trong thời gian 15 tháng làm tỉnh trưởng Chiang Rai, ông Narongsak từng từ chối phê chuẩn một số dự án tranh cãi khi các dự án này hoặc tốn quá nhiều chi phí, hoặc địa điểm không thích hợp, hoặc cả hai.

Ông Narongsak cũng cho ngừng một số dự án kích thích kinh tế nghi ngờ có dấu hiệu sai phạm. Bangkok Post dẫn ý kiến nhiều nhà quan sát cho rằng Bộ Nội vụ Thái Lan quyết định điều chuyển ông Narongsak về làm tỉnh trưởng Phayao – nhỏ hơn Chiang Rai có thể là vì sự phản đối của ông với chính sách kích thích kinh tế của chính phủ. Việc ông Nasongsak bị điều chuyển cũng đã khiến nhiều người dân Thái Lan bất mãn cho đó là sự giáng cấp với ông Narongsak.

Thai Navy Seals, binh sĩ, cảnh sát

Nguồn lực từ mọi nhánh của quân đội và cảnh sát hoàng gia Thái Lan đã được huy động vào chiến dịch giải cứu lịch sử này, được phân công nhiều vai trò khác nhau.

6 giờ tối 24-6, một ngày sau khi phát hiện đội bóng nhí mắc kẹt trong hang động, lực lượng cứu hộ ở Chiang Rai đã phải cầu viện đến sự giúp sức của hải quân hoàng gia Thái Lan. Ngay trong đêm 84 đặc nhiệm Thai Navy Seals đã di chuyển từ căn cứ của mình ở Sattahip tỉnh Chon Buri và có mặt ở cửa hang động trước khi trời sáng vào ngày hôm sau 25-6.

Lặn trong hang động là công việc cực kỳ gian khổ và nguy hiểm. Ảnh: GUARDIAN

Lặn trong hang động là công việc cực kỳ gian khổ và nguy hiểm. Ảnh: GUARDIAN

Trong 84 đặc nhiệm Thai Navy Seals này, có đại tá Pak Loharachun là người vừa có năng lực lặn và y khoa. Sau khi đến hang động, đại tá Pak đã vào hang chăm sóc sức khỏe cho các thành viên đội bóng nhí. Đại tá Pak cũng là một trong số 4 đặc nhiệm Thai Navy Seals rời khỏi hang động tối 10-7, sau khi thành viên cuối cùng của đội bóng được cứu ra an toàn.

4 đặc nhiệm Thai Navy Seals ra khỏi hang động tối 10-7, sau khi thành viên cuối cùng của đội bóng được cứu ra an toàn. Ảnh: FB

4 đặc nhiệm Thai Navy Seals ra khỏi hang động tối 10-7, sau khi thành viên cuối cùng của đội bóng được cứu ra an toàn. Ảnh: FB

Để có được thành công, lực lượng cứu hộ và đặc biệt lực lượng Thai Navy Seals phải chịu một mất mát to lớn, khi một cựu binh Thai Navy Seals – anh Saman Gunan đã thiệt mạng sáng sớm 6-7 do thiếu ô xy trong quá trình lắp đặt bình ô xy dọc lối ra hang động chuẩn bị thực hiện giải cứu. Càng tiếc thương hơn và đáng quý hơn khi anh Saman dù không còn trong lực lượng Thai Navy Seals nhưng vẫn tình nguyện tham gia giải cứu.

Cựu binh Thai Navy Seals Saman Kunan đã thiệt mạng trong quá trình giải cứu đội bóng nhí. Ảnh: FB

Cựu binh Thai Navy Seals Saman Kunan đã thiệt mạng trong quá trình giải cứu đội bóng nhí. Ảnh: FB

Bên cạnh các đặc nhiệm Thai Navy Seals là rất đông các chuyên gia lặn quốc tế từ Anh, Úc, Nhật, Bỉ, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển…. Phát hiện đội bóng đầu tiên khuya 2-7 chính là 2 chuyên gia lặn người Anh John Volanthen và Richard Stanton.

Hai thợ lặn người Anh, những người đầu tiên tìm thấy đội bóng nhí. Ảnh: AP

Hai thợ lặn người Anh, những người đầu tiên tìm thấy đội bóng nhí. Ảnh: AP

Vai trò chuyên gia lặn đồng thời là bác sĩ gây mê Richard Harris được ghi nhận với các đánh giá và quyết định chính xác sẽ cứu thành viên nào ra trước. Bác sĩ Harris ra khỏi hang động tối 10-7, sau khi toàn bộ 13 thành viên đội bóng được cứu và nhận tin bố mình vừa mới qua đời tại Úc chỉ vài giờ trước.

Bác sĩ, chuyên gia lặn người Úc Richard Harris ra khỏi hang động tối 10-7, sau khi thành viên cuối cùng của đội bóng được cứu ra an toàn, và nhận được tin bố mất. Ảnh: FB

Bác sĩ, chuyên gia lặn người Úc Richard Harris ra khỏi hang động tối 10-7, sau khi thành viên cuối cùng của đội bóng được cứu ra an toàn, và nhận được tin bố mất. Ảnh: FB

Đội ngũ bơm nước làm việc xuyên ngày đêm

Việc lặn cứu 13 thành viên đội bóng có thể sẽ không thể thực hiện thành công nếu nước ngập trong hang động không được hút bớt, giảm bớt áp lực chảy. Không chỉ đội ngũ lặn, đội ngũ phụ trách bơm nước ra khỏi hang động cũng là những anh hùng trong chiến dịch này.

Đội ngũ này đã làm việc ngày đêm để bơm 56,6 triệu lít nước ra khỏi hang động trong suốt quá trình giải cứu.

Đội ngũ bơm nước làm việc xuyên ngày đêm để hỗ trợ công tác giải cứu. Ảnh: AP

Đội ngũ bơm nước làm việc xuyên ngày đêm để hỗ trợ công tác giải cứu. Ảnh: AP

“Phần thưởng duy nhất tôi cần là đã giành được 13 mạng sống từ hang động. Phần thưởng này là vô giá” - ông Surathin Chaichoompoo, Chủ tịch Hiệp hội Nước ngầm Thái Lan nói sau khi toàn bộ đội bóng được cứu.

Tối ngày giải cứu cuối cùng 10-7, trước khi thành viên cuối cùng được đưa ra, một trục trặc về điện đã khiến hệ thống bơm ngừng hoạt động. Mực nước nhanh chóng dâng cao trở lại trong hang động, chỉ 5 phút sau khi thành viên cuối cùng này ra khỏi hang động an toàn.

Sự tình nguyện quý báu

Ngoài các lực lượng trên còn có nhiều nhóm hỗ trợ khác gồm các quan chức chính quyền, lãnh đạo các công ty nhà nước lẫn tư nhân phụ trách các lĩnh vực cung cấp điện, y tế, hậu cần cho chiến dịch.

Không thể không nhắc đến vai trò của rất đông những người tình nguyện cung cấp thức ăn, giặt giũ quần áo cho lực lượng cứu hộ.

Chuẩn bị hậu cầu cho chiến dịch. Ảnh:

Chuẩn bị hậu cầu cho chiến dịch. Ảnh: GUARDIAN

Hơn 100 nông dân đã từ chối khoản bồi thường tài chính khi nước từ hang động bơm ra làm ngập các đồng lúa và hoa màu của họ, nói rằng tiền bạc không quý bằng mạng sống con người.

“Tiền nên được dùng vào việc gì khác có lợi cho cộng đồng. Có nhiều người cần được giúp đỡ hơn chúng tôi” – một nông dân nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm