Mỹ chi 200 triệu đô 'hỗ trợ an ninh' cho Ukraine

Chỉ vài ngày sau thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, chính phủ Trump đã duyệt chi khoản 200 triệu đô hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Khoản hỗ trợ này - theo cách gọi của Mỹ là “hỗ trợ an ninh” – được Mỹ quyết từ nhiều tháng trước nhưng vẫn phong tỏa chờ Ukraine đáp ứng “một số cải cách quốc phòng” theo yêu cầu của Mỹ.

Ngày 20-7, đại sứ quán Ukraine ở Mỹ thông báo khoản hỗ trợ này đã được Mỹ giải ngân. Thông tin sau đó được CNN xác nhận lại từ người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Sheryll Klinkel.

Ngoài ra CNN cũng dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đề nghị không nêu tên cho biết khoản hỗ trợ này sẽ được sử dụng vào huấn luyện, trang bị các hệ thống radar, xe đa chức năng khả năng di động cao Humvee, kính bảo hộ tăng tầm nhìn ban đêm, các thiết bị liên lạc và y tế.

Lính Mỹ trong một đợt huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện chiến đấu Yavoriv ở Ukraine ngày 11-7. Ảnh: US ARMY

Lính Mỹ trong một đợt huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện chiến đấu Yavoriv ở Ukraine ngày 11-7. Ảnh: US ARMY

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert thì bằng việc thông qua một luật an ninh quốc gia mới đầu tháng 7, Ukraine đã thỏa mãn các yêu cầu “cải cách quốc phòng” của Mỹ, đáp ứng tiêu chuẩn được Mỹ hỗ trợ quân sự. Luật này một khi được thực hiện sẽ “tăng hơn nữa tính gắn kết giữa Ukraine với phương Tây”, theo bà Nauert.

“Mỹ sẵn sàng tiếp tục ủng hộ Ukraine cải cách quốc phòng và an ninh, nhằm tăng khả năng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ” – theo bà Nauert.

Trong khi đó theo Bộ Quốc phòng Mỹ, luật này “cung cấp một khung pháp lý điều chỉnh cấu trúc an ninh quốc gia Ukraine phù hợp với các nguyên tắc châu Âu-Đại Tây Dương”, là một bước quan trọng để Ukraine tiếp cận NATO.

Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 1 tỉ đô “hỗ trợ an ninh” tính từ tháng 2-2014, thời điểm cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ Ukraine và phe đòi ly khai ở miền đông nước này – lực lượng Mỹ cho là được Nga ủng hộ - đang leo thang. Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào tháng 3-2014.

Đầu tháng này quân đội Mỹ và Ukraine đã cùng thực hiện một cuộc tập trận chung lớn mang tên Sea Breeze 2018. Phía Mỹ tham gia có hai tàu chiến, 850 lính thủy đánh bộ và thủy thủ. Nga lên án cuộc tập trận này rằng đây là “một nỗ lực gây căng thẳng” khu vực.

Lính thủy đánh bộ Mỹ tham gia cuộc tập trận Sea Breeze 2018 ở Ukraine, ngày 12-7. Ảnh: RT

Lính thủy đánh bộ Mỹ tham gia cuộc tập trận Sea Breeze 2018 ở Ukraine, ngày 12-7. Ảnh: RT

Mỹ duyệt chi khoản 200 triệu đô hỗ trợ an ninh cho Ukraine chỉ vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Nga nói sẵn sàng hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ về hàng loạt vấn đề an ninh, sau thượng đỉnh Trump-Putin.

“Quân đội Nga sẵn sàng tăng tiếp xúc với quân đội Mỹ ở hàng tướng lĩnh cấp cao cùng như ở các kênh khác để bàn về hiệp ước Hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START), hợp tác ở Syria, cũng như các vấn đề khác bảo đảm an ninh quân sự” - người phát ngôn quân đội Nga, Trung tướng Igor Konashenkov nói ngày 17-7.

Nguồn tin quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis để mở khả năng đối thoại với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu, tuy nhiên hiện chưa có kế hoạch gì cho việc này.

Trong ngày 20-7, chính phủ Trump tuyên bố không ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý khả năng độc lập các khu vực phe đòi ly khai đang kiểm soát ở Đông Ukraine. Ý tưởng này được ông Putin đưa ra tháng trước. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 20-7 có nói hai ông Trump-Putin có bàn đến khả năng này trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki.

“Chính phủ không cân nhắc ủng hộ trưng cầu dân ý ở Đông Ukraine. Thỏa thuận Minks là tiến trình giải quyết xung đột ở Donbas và thỏa thuận này không bao gồm giải pháp trưng cầu dân ý. Hơn nữa, tổ chức trưng cầu dân ý ở một khu vực không nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Ukraine là không hợp pháp” - người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Garrett Marquis tuyên bố. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm